Quan điểm của Phật giáo về phụ nữ và sự giác ngộ

Đạo Phật không phân biệt giới tính, giác ngộ không phân biệt giới tính, nhưng sự bám chấp bản năng cố hữu đối với tự ngã và giới tính của bản ngã đã trở thành kiên cố vọng tưởng không thể dễ dàng đổi dời.

Quan điểm của Phật giáo về phụ nữ và sự giác ngộ

Bình đẳng giới và phong trào giải phóng phụ nữ, xét ở một mức độ nào đó, đã được cải thiện ở nhiều nơi trên thế giới. Thế nhưng, trong cộng đồng Phật giáo vẫn tồn tại rất nhiều thành kiến và sự nghi ngờ đối với khả năng tu học, thành tựu, đặc biệt là thành tựu đại giác ngộ của người nữ. Dường như sự hiện hữu của những nữ nhân kiệt xuất trong lịch sử Phật giáo chưa đủ sức thuyết phục đa số nhân loại tin tưởng vào năng lực của người nữ có thể thực sự thành tựu giác ngộ.

Đạo Phật không phân biệt giới tính, giác ngộ không phân biệt giới tính, nhưng sự bám chấp bản năng cố hữu đối với tự ngã và giới tính của bản ngã đã trở thành kiên cố vọng tưởng không thể dễ dàng đổi dời. Vì thế, sự phân biệt đối xử giới tính trong ngay cả cộng đồng Phật giáo nói chung còn hết sức nặng nề. Do sự bám chấp cố hữu vào giới tính của các yếu tố văn hóa, giáo dục, xã hội cùng nhiều nguyên nhân khác, bản thân các nữ hành giả cũng có những nhận thức sai lầm và thiếu tự tin vào chính bản thân, vào chính khả năng, năng lực vốn thực sự hết sức siêu việt của mình.

Trước thực tại ấy, với mong muốn dẹp tan khối vọng tưởng kiên cố bám chấp vào giới tính, cải đổi cái nhìn thiên lệch và những tác động tiêu cực của xã hội lên người nữ, trang bị cho họ chính kiến và nhận thức đúng đắn để tự giải phóng bản thân, một sự giải phóng chân thật xuất phát từ quan kiến thanh tịnh về chân lý vạn pháp nhằm tiến tới thành tựu đại giải thoát hoàn toàn và rốt ráo, chúng tôi xin được đề cập tới chủ đề đại giác ngộ không phân biệt giới tính, đặc biệt là trong quan kiến của Phật giáo Kim Cương thừa, để thấy được thực tế phụ nữ hoàn toàn có tiềm năng và khả năng thành tựu đại giác ngộ, cũng như giới thiệu những phương cách giúp họ đạt được điều đó. Ngoài ra, trong phạm vi hiểu biết và khả năng khiêm tốn của mình, chúng tôi còn mong muốn được giới thiệu và đề xuất những giải pháp thực tiễn đối với mỗi cá nhân cũng như những giải pháp mang tính xã hội và cộng đồng để góp phần cải thiện, giải quyết thực tại bất bình đẳng này vì lợi ích của hết thảy nữ nhân và chúng sinh không phân biệt.

Trong thế giới quan của Đạo Phật, tất thảy vạn loài chúng sinh đều vốn sẵn đủ Phật tính, tất cả mọi người đều có tiềm năng và khả năng chứng đạt giác ngộ dù người đó là ai, thuộc đẳng cấp xã hội nào và dù đó là người nam hay nữ.

Ngay từ thời Đức Phật trụ thế, Ngài đã tuyên bố và ấn chứng quyền được tu tập giáo pháp giải thoát cũng như khả năng tu tập thành tựu giác ngộ tối thượng của người nữ. Sự quyết định và ấn chứng của Đức Phật chính là một bước ngoặt của lịch sử nhân loại, mang lại cho người nữ quyền được tham dự vào Tăng đoàn, quyền được đón nhận giáo lý và tu tập giáo pháp giải thoát, được khai phát trưởng dưỡng những phẩm hạnh cao quý Bi - Trí - Dũng để chứng đạt cảnh giới giác ngộ. Có thể liệt kê một số các hàng nữ hành giả cũng có khả năng vượt bậc, chứng đắc vô sở úy như Tỳ kheo ni Maha Pajapati Gotami, bậc đại trí tuệ đệ nhất Khema, bậc thần thông đệ nhất Uppalavanna, trì luật đệ nhất là Patacara, thuyết pháp đệ nhất là Dhammadinna, tu thiền đệ nhất là Nanada, chuyên cần tinh tấn đệ nhất là Sona, thiên nhãn đệ nhất là Sakula, thắng trí tấn tốc đệ nhất là Bhaddà Kundalakesa,…

Như vậy, sự ấn chứng của Đức Phật và những minh chứng thành tựu Phật quả giải thoát của chính các nữ hành giả thời Đức Phật tại thế giúp khẳng định rằng người nữ hoàn toàn không thua kém với người nam về phương diện khả năng và sự thành tựu quả vị giác ngộ tối thượng.

1. Trí tuệ phụ nữ và nguyên lý mẫu tính trong Kim Cương thừa

Đến đây, một câu hỏi cần được đặt ra: Tại sao trên mọi bình diện học thuyết và thực tế cuộc sống, Đạo Phật đều chủ trương không phân biệt giới tính, và với bằng ấy sự ấn chứng của Đức Phật cũng như thực tế lịch sử đã chứng minh rằng người nữ thật sự có khả năng thành tựu và chứng đạt giác ngộ không khác gì người nam, vậy mà hiện thực xã hội ngày nay lại cho thấy các nữ hành giả phần nhiều vẫn còn quá tự ti, không tin vào khả năng thành tựu Phật quả ngay trong thân nữ vốn được coi là bất tịnh và bất tài đến như để trở thành Ma vương cũng là điều không thể? Nặng nề hơn nữa là phần đông xã hội và nửa kia của thế giới luôn áp đặt lên họ những thành kiến cố hữu, đánh giá thấp và thiếu niềm tin ở người nữ, luôn phân biệt đối xử giữa nam và nữ, giữa Tăng và Ni, giữa nam cư sĩ và nữ cư sĩ; hoặc phủ nhận nhiều khả năng nhất định của nữ giới. Nếu được hỏi người nữ có thể chứng đạt đại giác ngộ trong thân nữ hay không, chắc chắn câu trả lời nhận được từ nhiều người sẽ là "không" hoặc tỏ thái độ nghi ngờ vì cho rằng về mặt lý là có thể nhưng về mặt sự thì không. Hệ quả là nữ giới bị kìm hãm sự phát triển và bị phong tỏa trên con đường tiến tới giác ngộ cứu kính.  

Nguyên nhân thì rất nhiều, nhưng căn nguyên chính nằm ở sự nhận thức. Phàm phu chúng ta chưa có trí tuệ viên mãn như chư Phật Bồ Tát, nhưng trước hết chúng ta phải có nhận thức đúng đắn khế hợp với chính pháp. Sự phân biệt giới tính sở dĩ tồn tại là do chúng ta còn bám chấp những tà kiến sai lầm. Hoặc có thể nhiều người trong chúng ta mặc dù đã quá quen thuộc với ý niệm Đạo Phật là không phân biệt giới tính và giác ngộ không phân biệt giới tính, nhưng sự hiểu biết ấy có lẽ chưa đủ sâu sắc để cải biến định kiến đã ăn sâu vào tiềm thức của chúng ta về vấn đề phụ nữ và giác ngộ. Vậy, chúng ta hãy tìm hiểu kỹ hơn về trí tuệ phụ nữ trong giáo pháp của Đạo Phật, đặc biệt là trong truyền thống Kim Cương thừa để có được chính kiến thực sự sâu sắc có công năng đập tan vọng tưởng phân biệt giới tính.

Trong Đạo Phật, nguyên lý mẫu tính nêu biểu cho trí tuệ bản lai. Vì Phật quả là sự viên mãn của trí tuệ bản lai, nên trí tuệ còn được xem như là mẹ của hết thảy chư Phật. Trong Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa và Bát Nhã Tâm Kinh, Đại Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật chính là biểu tượng của trí tuệ ban sơ đại toàn thiện đại viên mãn này. Trí tuệ Bát Nhã Ba La Mật, sự viên mãn của trí tuệ sâu xa của nguyên lý mẫu tính được gọi là “Thai tạng của chư Như Lai” hay “Mẹ của chư Phật”. Trí tuệ Bát Nhã là tính chất trí tuệ sắc bén với sự xả bỏ bản ngã. Năng lực này của trí tuệ sâu xa là suối nguồn, hay thai tạng nơi chư Phật hiển lộ, và vì thế được gọi là “Thai tạng của chư Phật”. Và trí tuệ ấy được thể hiện bằng hình tượng Bát Nhã Phật Mẫu. Do đó, trong Đạo Phật, trí tuệ phụ nữ chính là trí tuệ tính không siêu việt. Phụ nữ và phương diện nữ tính bên trong mọi chúng sinh bất kể nam hay nữ biểu trưng cho đại trí tuệ siêu việt.

Thông thường, nhiều người quan niệm rằng phụ nữ được liên hệ với tình thương, lòng nhân từ, từ bi chứ không phải trí tuệ, còn người nam mới là đại diện của trí tuệ. Và sự từ bi của người nữ thường được cho là chỉ dừng lại ở lòng tốt, nhân hậu, tử tế, thương người. Nguyên nhân của sự nhầm lẫn này là do chúng ta không hiểu về những nguyên lý mẫu tính và phụ tính bên trong mọi sinh linh. Thực tế, mỗi hữu tình đều mang trong mình hai nguồn năng lượng mẫu tính và phụ tính. Theo quan điểm Kim Cương thừa, mỗi một người nam hay nữ đều sẵn đủ toàn vẹn viên mãn của mẫu tính và phụ tính. Những nguyên lý này là dòng năng lượng chảy trong cơ thể cả nam giới và nữ giới. Khía cạnh năng lượng nam tính chính là tâm đại từ bi vô lượng và năng lượng âm tính chính là đại trí tuệ toàn tri - cội nguồn của vạn pháp. Hai nguyên lý mẫu tính và phụ tính hay đại trí tuệ siêu việt và đại từ bi vô lượng là tương sinh tương hợp và bất khả phân, chính vì thế mà mọi hữu tình đều bình đẳng, vốn sẵn đủ Phật tính và đều có khả năng giác ngộ thành Phật. Nhìn từ bình diện chân lý tuyệt đối, trí tuệ và từ bi hay hai dòng năng lượng phụ tính và mẫu tính là bất khả phân, nhưng một cách tương đối, sự thể hiện ra bên ngoài dưới lăng kính nghiệp báo của chúng sinh chúng ta lại thấy chúng dường như phân chia tách biệt, có nam có nữ. Sự phân biệt giới tính chính từ đây thành lập và giải thích tại sao sự bám chấp này lại kiên cố nặng nề như vậy. Do vô minh và nghiệp lực chi phối nên chúng ta chỉ thấy khía cạnh là nam hoặc là nữ trong mỗi người mà thôi. Bên cạnh đó từ khi sinh ra chúng ta được rèn luyện một cách sai lầm trong cách nhìn nhận sai lầm của nhiều nền giáo dục, văn hóa và tôn giáo, khía cạnh nam tính trong người nữ không được coi trọng và nhìn nhận đúng mức, thậm chí bị xuyên tạc và bị gạt ra khỏi nguồn năng lượng - tiềm năng giác ngộ của chính họ. Vì thế, chúng ta không có khả năng hợp nhất viên mãn những nguồn năng lượng này. Đàn ông cố che giấu khía cạnh nữ tính nơi mình, còn phụ nữ thì lại sợ bộc lộ năng lượng nam tính trong họ. Kết quả là họ luôn cảm thấy cô đơn và thiếu thốn và cần một đối tượng bên ngoài để thỏa mãn sự cô đơn đó. Chính họ đã lãng quên suối nguồn Phật Mẫu tính và Phật Phụ tính trong chính mình. Cứ như thế, họ cứ tìm cầu những giải pháp bên ngoài và càng mãi trôi lăn trong những chướng ngại khổ đau không cùng tận. Trong hoàn cảnh như vậy, người nữ ngày càng trở nên tự ti hơn, ngày càng giới hạn mình vào những thiên kiến hạn hẹp.

Có bao giờ chúng ta tự đặt câu hỏi rằng chúng ta thực sự là ai, tại sao chúng ta lại sân giận, ham muốn, khi sân giận ham muốn chúng ta vừa thỏa mãn lại vụt tắt ngay, rồi lại tiếp tục các sân giận, ham muốn khác, tại sao lại cứ mãi lặp đi lặp lại như thế. Ham muốn tiếp tục ham muốn, thôi thúc làm chúng ta khát khao, đau khổ và tuyệt vọng. Cái gì trong nó và cái gì ngoài nó? Đại giác ngộ thành tựu chỉ khi chúng ta có thể hợp nhất được hai dòng năng lượng Phụ tính và Mẫu tính, từ bi và trí tuệ.

2. Vai trò, tầm quan trọng của phụ nữ và khả năng chứng đạt Phật quả trong thân nữ theo thế giới quan Kim Cương thừa

Kim Cương thừa cho ta một cái nhìn toàn diện, chi tiết, cụ thể và minh xác về những nguồn năng lượng từ bi và trí tuệ trong bản thân mỗi chúng ta, cách chúng vận hành, trôi chảy, tương tác với nhau như thế nào, làm thế nào để nhận diện được chúng, và cách thức chuyển hóa để đạt được sự cân bằng đại hợp nhất siêu việt hai nguồn năng lượng này. Chính khi đó đại giác ngộ vô thượng được thiết lập. Hết thảy chúng sinh nam nữ không chỉ bình đẳng về Phật tính và còn bình đẳng về cả khả năng chứng đạt Phật quả, nghĩa là không phải người nam có thể thành tựu dễ dàng hơn người nữ, và ngược lại, người nữ khó hoặc thậm chí là không thể viên mãn đạo quả trong hình tướng nữ nhân. Chính vì thế, trong Kim Cương thừa, phụ nữ chiếm một vị trí vô cùng quan trọng, không thể thiếu và bằng nhiều cách khác nhau nêu biểu cho nguyên lý Mẫu tính giác ngộ.

Người nữ được liên hệ với "đất mẹ", với vai trò nền tảng và kho tàng, suối nguồn của cuộc sống, năng lượng, về thể chất và tâm linh của tất cả chúng sinh. Kim Cương thừa nhấn mạnh tới nguyên lý Mẫu tính giác ngộ thông qua những hình ảnh Phật Mẫu Bát nhã, Phật Mẫu Tara, biểu trưng cho cội nguồn của vạn pháp. Cho nên được gọi là mẹ của hết thảy chư Phật. Đặc trưng của nguyên lý Mẫu tính là năng lực hàm chứa, sản sinh và sáng tạo. Phật mẫu không phải là một ý chí sáng tạo ra quy luật và thế giới mà chính là bản thể của thế giới.

Trong Kim Cương thừa, tầm quan trọng và năng lực giác ngộ của người nữ được thể hiện thông qua các Thangka, Mandala, các biểu tượng và pháp khí. Hình ảnh Kim Cương Thánh Mẫu, Dakini trong tư thế vũ điệu thắng lạc hoặc an tọa trong tư thế thiền định với khế ấn đặc trưng, trang hoàng bằng những bảo man quý báu, những mảnh xương và vương miện bằng xương hoặc bằng hoa. Điều này khẳng định chắc chắn khả năng đạt được giác ngộ quả tức thân thành Phật ngay trong một đời của người nữ là điều có thể.

Trong Mật điển tán thán tầm quan trọng và khả năng thiền định của nữ giới, như các bậc Yogini, Dakini, hay những bậc Trì Minh vương. Yogini nghĩa là hành giả nữ thực hành yoga, người nữ với năng lực thần thông hay Bản tôn Thánh Mẫu. Dakini vượt trên nhận thức thông thường, đó là những “Không Hành Mẫu”, các Ngài du hí tự tại trong tự tính pháp giới. Các Ngài còn là bậc trì giữ trí tuệ, hiện thân của đức Phật Mẫu Bát Nhã, mẹ của chư Phật.

Những Dakini trí tuệ là những bậc đã giác ngộ như Vajra Yogini, họ cũng được miêu tả như là các Phật Mẫu Minh Phi của các bậc Hoạt Phật hay các bậc Bồ Tát. Dakini là một nguồn gốc của quy y. Bên cạnh việc quy y Tam bảo, chúng ta cũng quy y Tam căn bản ; Dakini đại diện cho cội nguồn của các công hạnh giác ngộ bởi vì Dakini là năng lượng giác ngộ Mẫu tính nêu biểu cho trí tuệ bản lai.

Dakini được gắn liền với hư không và có khả năng sản sinh vô số tiềm năng của những công hạnh giác ngộ mà có thể chia thành bốn pháp môn: Tức tai, Tăng ích, Kính ái và Hàng phục. Dakini cũng là những hiện thân của sự hợp nhất tính Không và trí tuệ. Và sự hợp nhất này là siêu việt vô song. Đây là cảnh giới của sự tỉnh thức được kiểm soát, vững chắc và hoàn toàn tự do. Mọi người đều có khả năng và tiềm năng để chứng ngộ tự tính Dakini trí tuệ cho chính mình bất kể bạn là nam hay nữ.

Điều này có nghĩa là không có sự phân biệt giới tính, bất kể người nào cũng có phẩm chất của một Dakini trí tuệ hay năng lượng giác ngộ Mẫu tính. Mặt khác lòng bi mẫn lại liên quan đến năng lượng Phụ tính và khi cả trí tuệ và lòng bi mẫn được trải rộng đến hoàn hảo, chúng ta đạt được giác ngộ và trở thành Phật. Dakini - những bản tôn hóa thần đại diện cho trí tuệ vĩ đại và nam hóa thần đại diện cho lòng đại bi.

Ngoài những biểu tượng giác ngộ trên, tầm quan trọng của người nữ còn được thể hiện thông qua việc trì giới trong Kim Cương thừa. Giới nguyện Samaya có tầm quan trọng trong Phật giáo Kim Cương thừa, được các hành giả trì giữ nghiêm mật trên đạo lộ tu tập của mình. Có 14 đọa lạc căn bản, nếu hành giả phạm sẽ làm phá vỡ lời thệ nguyện trì giữ Samaya. Căn bản đọa thứ 14 nói rằng: Nếu miệt thị và coi thường người nữ thì có nghĩa hành giả đã phạm giới nguyện Samaya. Một khi còn những thái độ miệt thị như coi phụ nữ không có năng lực và khả năng tâm linh cũng tức là đã phạm vào giới nguyện Samaya. Nếu hành giả chỉ cần có một ý niệm không muốn giúp đỡ một người nữ cũng đã làm phá bể giới Samaya, còn trong trường hợp, nếu hành giả coi một nữ huynh đệ kim cương là kẻ thù thì đó là sự phá bể giới nguyện cao nhất.

Như vậy, ta thấy Kim Cương thừa chống lại mọi quan điểm phân biệt giới, mang lại một sự bình đẳng lớn lao cho người nữ và đặc biệt đề cao, coi trọng địa vị và tầm quan trọng của người nữ trong việc hành trì tu tập Mật giáo, bởi Kim Cương thừa dựa vào một nguyên lý vô cùng xác đáng: nguyên lý nữ tính nêu biểu cho trí tuệ tính Không. Nói cách khác, người phụ nữ hiển diện một cách trực tiếp trong mục đích và lý tưởng của Đạo Phật, bởi vậy miệt thị phụ nữ cũng chính là miệt thị Đạo Phật. Sự miệt thị như vậy là một chướng ngại cho sự tu tập giác ngộ của cả nam và nữ.

3. Làm thế nào để nữ hành giả thành tựu giác ngộ trong Kim Cương thừa?

Quay trở về với thực tế cuộc sống, rất nhiều người cho rằng phụ nữ không thể chứng đạt giác ngộ vì lý do thể chất yếu đuối, tâm sinh lý và nghiệp chướng nặng nề. Xét ở một chừng mực nào đó, sự thực là bản thân phụ nữ có rất nhiều thiếu sót và hạn chế. Về thể chất, phụ nữ không mạnh mẽ như nam giới, hơn nữa còn phải chịu ảnh hưởng tác động tiêu cực của thân thể vật lý mà điển hình là với chu kỳ hàng tháng. Ngoài ra, phụ nữ thường có thiên hướng dễ bị tình cảm chi phối nên khó kiểm soát được cảm xúc trong khi tu tập. Với thiên chức làm mẹ, phụ nữ thường hướng nội vì phải chăm sóc gia đình, con cái. Vì hầu hết thời gian, tâm trí và sức lực dành cả cho gia đình nên thật không dễ dàng để họ có thể dâng hiến trọn vẹn cho sự tu tập và giải thoát.

Bên cạnh những trở ngại đến từ bên trong, người phụ nữ còn gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại đến từ phía xã hội. Do nền giáo dục dựa trên sự phân biệt giới tính mang tính cố hữu, ngay từ thuở nhỏ, thay vì được giáo dưỡng và phát triển các phương diện Mẫu tính và Phụ tính giác ngộ trong mình, các bé gái được dạy dỗ từ thái độ, nhận thức cho đến những hành vi ứng xử bên ngoài như đi đứng, nằm ngồi, ăn mặc,… theo cách mà xã hội áp đặt cho rằng một người nữ cần phải như vậy. Không những chỉ phải đối mặt với những thành kiến ngoài xã hội, khi bước chân vào con đường thực hành giáo pháp, các nữ hành giả cũng còn phải đối mặt với rất nhiều mặc cảm phân biệt giới tính một cách có ý thức và vô thức ngay trong bản thân cộng đồng Phật giáo nói chung.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm bất lợi và trở ngại trên, người nữ cũng có những thế mạnh nhất định trong tu tập thực hành. Đó chính là tín tâm dâng hiến và sự nhẫn nhục bền bỉ. Với tín tâm thanh tịnh và đức tính nhẫn nhục, nữ hành giả hoàn toàn có thể vượt qua được những chướng ngại về thân và tâm sinh lý hướng về đại giải thoát.

4. Vậy, làm thế nào để nữ hành giả tu tập thành tựu giác ngộ?

Để thực hành giáo pháp Kim Cương thừa, điều kiện tiên quyết là nữ hành giả phải tìm được bậc Thượng sư giác ngộ thuộc một truyền thừa không gián đoạn, bất luận Ngài là nam hay nữ và nghiêm cẩn tu tập theo sự giáo huấn, hướng đạo của Ngài.

Kim Cương thừa có nhiều phương pháp thù thắng để chuyển hóa những năng lượng tiêu cực, chứng đạt tính toàn vẹn nguyên thủy - sự hợp nhất từ bi và trí tuệ vĩ đại trong ta. Dưới sự dẫn dắt của một bậc Thượng sư giác ngộ, nữ hành giả có thể tu học Tứ bộ Du già. Mỗi thứ lớp dành cho một đối tượng hành giả đặc biệt; và điều khác biệt giữa thứ lớp này thứ lớp kia là mức độ năng lượng ham muốn mà hành giả có đủ thiện xảo để hướng nó vào con đường tu tập.

Phật giáo Kim Cương thừa đưa ra rất nhiều phương pháp thiện xảo để trưởng dưỡng và tịnh hoá tâm. Những phương pháp này bao gồm các cách tu tập, quán tưởng về Bản tôn, lập đàn, những nghi lễ đặc sắc, trang hoàng rực rỡ, vũ điệu và nghệ thuật linh thiêng, pháp thực hành yoga vi tế để chuyển hoá toàn bộ sự khao khát trần tục vào trong lĩnh vực hỷ lạc và giác ngộ thức tỉnh.

Ngoài ra, một trong những mục đích chính của việc hành trì Kim Cương thừa là sự hoàn hảo thanh tịnh bên trong và thế giới bên ngoài bằng cách quán tưởng vũ trụ là một cảnh giới Mandala, còn tự thân là Hóa Phật Bản tôn. Bản tôn được quán tưởng tượng trưng các hiện tướng của năng lượng giác ngộ và những công hạnh giải thoát. Ví dụ, Đức Phật Mẫu Tara biểu trưng cho sự giải thoát, bảo vệ những người cầu nguyện khỏi sự nguy hiểm tinh thần và vật chất với lòng bi mẫn của đức từ mẫu, trong khi nụ cười hỷ lạc và an bình của Ngài biểu trưng cho sự an lạc, vượt thoát khổ đau. Đức Kim Cương Phật Mẫu Vajrayogini là đức Phật Mẫu thành tựu chứng ngộ đại hợp nhất tính Không và đại hỷ lạc, thể tính của ngài là không hình, không tướng, tuy nhiên ngài hóa thân thị hiện trong sắc tướng thiếu nữ trẻ trung để mang lại sự tự tin, sự tín tâm cho người nữ giúp họ có được niềm tin vững chắc vào bản tính Phật Mẫu, bản chất Phật tính và tiềm năng giác ngộ vốn có trong mình từ đó giúp khai phát, hiển lộ niềm tự hào kim cương về bản chất Phật Mẫu tính nơi mình.

Trong Kim Cương thừa, cũng giống như những bậc Đại thành tựu giả xuất hiện trong hình tướng nam nhân, có rất nhiều những Yogini vĩ đại thành tựu giác ngộ tối thượng trong thân người nữ ngay trong một đời. Các Ngài đã khai phát, chứng ngộ nguồn năng lượng Phật Mẫu tính và Phật Phụ tính trong mình. Đây là những tấm gương, là những mẫu hình sống động cho nhiều thế hệ, đặc biệt đối với người nữ, những người chân thành khát ngưỡng tìm cầu giáo pháp giải thoát. Các Ngài không chỉ là những bậc thành tựu giác ngộ ngay trong một đời mà những công hạnh nhập thế của các Ngài cũng vô cùng mãnh liệt và lợi ích, có những ảnh hưởng và đóng góp to lớn cho Phật giáo Kim Cương thừa. Bởi vậy công hạnh và tiểu sử của các nữ hành giả Kim Cương thừa khơi dậy niềm cảm hứng, sự tôn kính, hy vọng và tín tâm bất thoái chuyển đối với người nữ rằng họ có thể tu tập giáo pháp giải thoát và thành tựu giác ngộ ngay trong một đời. Công hạnh và tiểu sử của các nữ hành giả Yogini vĩ đại trong lịch sử Kim Cương thừa như Đức Yeshe Tsogyal - bậc trí tuệ đa văn đệ nhất giống như ngài Ananda, Yogini Niguma nữ đại thành tựu giả đã sáng lập 6 pháp Yoga của Niguma, Gelongma Palmo ngưới sáng lập pháp thực hành Nyungnay - pháp đại thành tựu Avalokiteshvhara (, Machik Labdron  - bậc thượng thủ Truyền thừa Chod,... được ghi lai một cách minh xác trong lịch sử là những minh chứng cho chân lý rằng: Sự thành tựu giác ngộ nơi người nữ ngay trong một đời là một thực tế. Tiềm năng giác ngộ, nguồn năng lượng Phật Mẫu tính và Phật Phụ tính đều sẵn có nơi mỗi người nam và cả người nữ. Bởi vậy cho dù là người nam hay người nữ, dù ở địa vị xã hội nào, nếu có tín tâm dâng hiến, sự tự tin tu trì thì đều có thể chứng đạt hợp nhất Bi - Trí - Dũng, để đem suối nguồn giác ngộ lợi ích cho muôn loài chúng sinh.

(Hình ảnh: Nữ Thượng sư Jetsunma Tenzin Palmo

Viết bình luận

Bình luận

Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.

Bài viết liên quan:

PHÁP TU TÂY TẠNG DÀNH CHO PHẬT TỬ NHẬP MÔN - Đức Đalai Lama giảng

Phụ Lục 2: Chánh Văn – Tám Thi Kệ Chuyển Tâm Geshe Langri Thangpa (thế kỷ thứ 12) Bản tiếng Việt 1.      Với quyết tâm thành tựu Lợi lạc lớn lao nhất Nhờ tất cả chúng sinh, Tôi nguyện luôn giữ gìn Chúng sinh trong đáy tim, Vì chúng sinh quí hơn Cả bảo châu như ý. 2.      Khi gặp gỡ tiếp xúc Với bất kỳ một ai, Nguyện tôi luôn thấy mình Là kẻ thấp kém nhất, Từ đáy lòng chân thật Luôn tôn kính mọi người Như kính bậc tối cao. 3.      Nguyện trong từng hành động Tôi luôn tự xét mình, Phiền não vừa dấy lên, Ðe dọa mình và người, Nguyện tức thì nhận...

PHÁP TU TÂY TẠNG DÀNH CHO PHẬT TỬ NHẬP MÔN - Đức Đalai Lama giảng

Nguyện qui y Phật,
là bậc toàn giác / là đại đạo sư
giáo hóa chúng sinh / bằng với chánh pháp
trong sáng chân thật / đến từ trí tuệ
chứng ngộ viên mãn.

 

PHÁP TU TÂY TẠNG DÀNH CHO PHẬT TỬ NHẬP MÔN - Đức Đalai Lama giảng

OM WAGI SHVARI MUM là minh chú của Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, rất tốt cho sinh viên học sinh. Tụng chú này tăng trí thông minh, giúp đầu óc bén nhạy. Nhiều lúc chúng tôi tụng DHIH DHIH DHIH DHIH một trăm lẻ tám lần liên tục hay nhiều hơn, trong cùng một hơi thở. Lấy một hơi thật dài, rồi tụng một mạch DHIH DHIH DHIH DHIH… làm như vậy trí nhớ sẽ gia tăng.

PHÁP TU TÂY TẠNG DÀNH CHO PHẬT TỬ NHẬP MÔN - Đức Đalai Lama giảng

Ai cũng biết rằng khi chết, tiền tài danh vọng hay quyền lợi trong đời tất cả đều không thể giúp được gì. Ðời sống tự nó là một hiện tượng biến chuyển liên tục. Nếu chỉ quan tâm đến đời sống hiện tại mà quên đi mọi kiếp về sau, làm như vậy dễ sinh tâm mê đắm hưởng thụ kiếp này, càng lúc càng nhiều chấp vọng, càng thêm tham đắm. 

PHÁP TU TÂY TẠNG DÀNH CHO PHẬT TỬ NHẬP MÔN - Đức Đalai Lama giảng

Mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống, có một phương pháp đối phó rất đơn giản là quên đi tất cả. Bao giờ tinh thần mỏi mệt, tâm trí nặng nề, ta có thể vất hết sau lưng, đi nghỉ mát vài ngày, một tuần. Nhưng phương pháp này dù sao vẫn rất tạm bợ. Vấn đề còn nguyên chưa được giải quyết.

PHÁP TU TÂY TẠNG DÀNH CHO PHẬT TỬ NHẬP MÔN - Đức Đalai Lama giảng

Tây Tạng có một câu chuyện như sau: một hôm trời đổ mưa lớn, bên đường có pho tượng Phật đẫm nước mưa. Có người đi ngang thấy vậy nghĩ rằng: “Không thể để Phật ướt”. Anh ta nhìn quanh, thấy có đôi giày cũ vất bên đường, bèn nhặt để lên đầu tượng Phật để che mưa. Một người khác đi ngang, thấy vậy nghĩ rằng: “Ai lại để giày trên đầu tượng Phật?” Anh ta bèn lượm giày vất đi. Cả hai đều có tâm tốt lành đối với tượng Phật, vì vậy hành động tuy trái ngược nhưng đều gieo thiện nghiệp như nhau.

PHÁP TU TÂY TẠNG DÀNH CHO PHẬT TỬ NHẬP MÔN - Đức Đalai Lama giảng

Trong tất cả những công phu hành trì Phật giáo, phát tâm bồ đề được xem là công phu quan trọng quí giá nhất. Tâm bồ đề bắt rễ từ đại bi. Không có chúng sinh thì không thể khởi tâm đại bi. Phật đà và Bồ tát có thể hộ trì cho ta phát tâm bồ đề, nhưng không thể giúp chúng ta phát tâm đại bi. Ðại bi chỉ có thể có được nhờ hướng về chúng sinh.

PHÁP TU TÂY TẠNG DÀNH CHO PHẬT TỬ NHẬP MÔN - Đức Đalai Lama giảng

Khế kinh dạy nhân nào sinh quả nấy. Tất cả mọi kinh nghiệm chúng ta đang trải qua đều là quả, sinh ra từ nhân là hành động của chính mình trong quá khứ. Ngoài ra không có Đấng Sáng Tạo nào khác, cũng không có Đấng Tối Cao nào hiện hữu trường tồn, vượt ngoài nhân quả.

Phật dạy có hai loại nhân quả. Một là nhân quả tương ứng với quá trình ô nhiễm, ví dụ nhân ác độc sinh quả khổ đau. Hai là nhân quả tương ứng với quá trình thanh tịnh, ví dụ nhân tốt lành sinh quả an lạc.

Pháp Khí Mật Tông - Bảo Liên. Cung cấp bởi Sapo.
Lên đầu trang
Pháp Khí Mật Tông Pháp Khí Mật Tông Pháp Khí Mật Tông
Trang chủ Danh mục Liên hệ Tài khoản Giỏ hàng