Ngũ phương Phật tượng trưng cho 5 phương , đông, tây, nam ,bắc , trung tâm; 5 bộ : Bảo bộ , Liên hoa bộ , Kim cang bộ , Nghiệp bộ , Phật bộ; 5 sắc : xanh, đỏ, vàng, trắng, đen...; mà nội dung chính yếu là 5 trí chuyển hóa từ 5 uẩn.
trong Phật giáo Mật tông Ngũ phương Phật là một hệ thống phối trí chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hộ pháp hết sức thâm diệu; và là sự phối hợp giữa ngũ phương, ngũ trí, ngũ Phật, ngũ bộ và ngũ hành (sắc của -) trong Thai Tạng Giới Mạn đà la và Kim Cang Giới Mạn đà la. Do đó đàn tràng ngũ phương cũng được lập hai cách khác nhau :
+ Lập theo Thai Tạng Giới Mạn đà la :
1/ Trung ương : Tỳ Lô Giá Na (Ðại Nhật Như Lai) Hiển thân sắc màu vàng, đối diện bàn Giác Hoa.
2/ Phương Ðông : A Súc Phật (Bất Ðộng Như Lai) Hiển sắc màu xanh, trở mặt vào bàn trung ương.
3/ Phương Tây : Phật A Di Ðà. Hiển sắc màu trắng, trở mặt vào bàn trung ương.
4/ Phươmg Nam : Bảo sanh Phật. Hiển sắc màu đỏ, trở mặt vào bàn trung ương.
5/ Phương Bắc : Bất Không Thành Tựu Phật. Hiển sắc màu đen, trở mặt vào bàn trung ương.
+ Lập theo Kim Cang Giới Mạn Ðà La:
1/ Trung ương : Tỳ Lô Giá Na Phật - Phật bộ. Pháp giới thể tánh trí, thân sắc màu trắng.
2/ Phương Ðông : A Súc Phật - Kim Cang bộ. Ðại viên cảnh trí, thân sắc màu xanh hoặc màu lam.
3/ Phương Tây : A Di Ðà Phật - Liên Hoa bộ. Diệu quan sát trí, thân sắc màu đỏ.
4/ Phương Nam : Bảo Sanh Phật - Bảo bộ. Bình đẳng tánh trí, thân sắc màu vàng.
5/ Phương Bắc : Bất Không Thành Tựu Phật - Yết Ma (Nghiệp) bộ. Thành sở tác trí, thân sắc màu lục.
Sở dĩ có sự khác biệt về thân sắc của ngũ phương Phật là do nhiều nguyên nhân như: Truyền bá đến các nước Phật giáo bằng nhiều đường khác nhau, ảnh hưởng truyền thống văn hóa của mỗi quốc gia dân tộc, tiến trình kết cấu và phát triễn Mạn Ðà La.v.v...Ngoài ra ấn tướng của chư Phật trong ngũ phương cũng có khác nhau theo sự phát triễn không ngừng của triết học Mạn Ðà La. Nhưng đây chỉ là những dị biệt nhỏ về hình thức, còn nội dung và mục đích tu chứng hoàn toàn không có gì thay đổi.
Con người là một tiểu vũ trụ đầy đủ tất cả tiềm năng của đại vũ trụ bên ngoài, vì được cấu tạo bởi cùng những nguyên tố là địa thủy hỏa phong, và cũng theo những quy luật âm dương ngũ hành như vũ trụ.
Vì tự giam mình trong cái vỏ cứng của sự chấp thủ, gọi là năm thủ uẩn, ta tự tạo ra một bản ngã hẹp hòi mà chỉ là ảo tưởng, và bản ngã ấy cứ ràng buộc lên xuống qua lại trong các nẻo luân hồị. Vì bản ngã đã phi thực, nên khổ cũng phi thực, chỉ như người và cảnh trong mộng. Khi tỉnh mộng rồi ta mới biết cái "tôi" trong mộng và những gì cái "tôi" ấy kinh nghiệm trong mộng đều không thực có. Giải thoát là lìa chấp thủ, khi hết chấp thủ vào một cái tôi riêng rẽ, thì con người và vũ trụ là một. Ngũ uẩn thành ngũ trí Như lai, nghĩa là thành những năng lực độ tận chúng sinh .
Nhưng chúng sinh vốn là Phật, chỉ vì chấp thủ mà thành chúng sinh, cho nên trong việc "cứu độ" của Phật, cần có sự hợp tác chặt chẽ của chính những chúng sinh được cứu. Trong không gian luôn luôn có những luồng điện đủ các tần số đang phát sóng, mỗi chúng sinh ví như một cái radio, cần phải bật lên và vặn đúng tần số mới nghe được. Sự tu tập và cứu độ trong Mật tông căn cứ trên nguyên lý ấy.