Kim Cương Tát Đỏa, tên Phạn là Vajra-satva, dịch âm là Phộc Nhật-La Tát Đỏa, dịch ý là Dũng Mãnh Hữu Tình. Lại xưng là Chấp Kim Cương, Trì Kim Cương, Kim Cương Thủ, Kim Cương Thủ Bồ Tát Ma Ha Tát, Chấp Kim Cương Bí Mật Chủ, Kim Cương Thủ Bí Mật Chủ, Trì Kim Cương Cụ Tuệ Giả, Kim Cương Thượng Thủ, Đại Lạc Kim Cương, Tô La Đa Kim Cương, Nhất Thiết Như Lai Phổ Hiền, Phổ Hiền Bồ Tát, Phổ Hiền Kim Cương Bồ Tát, Kim Cương Thắng Bồ Tát, Kim Cương Tạng, Chấp Kim Cương, Bí Mật Chủ…
Kim Cương Tát Đỏa là vị Tổ thứ hai trong tám vị Tổ của Chân Ngôn Tông. Là vị Thánh Tôn rất được tôn sùng trong Phật Giáo Mật Tông .
Kim Cương Tát Đỏa (Vajra-satva): Xưa dịch là Mật Tích, nếu giản lược cho rõ nghĩa thì Bí Mật Chủ (Guhyādhipati) tức là Dạ Xoa Vương (Yakṣa-rāja) cầm chày Kim Cương hộ vệ Đức Phật, cho nên nói là Kim Cương Thủ (Vajra-pāṇi). Nhưng trong ý nghĩa sâu xa, khi nói Dạ Xoa (Yakṣa) tức là Thân Ngữ Ý mật của Như Lai, chỉ Phật với Phật mới có thể biết, cho đến hàng Bồ Tát Di Lặc (Maitreya) đối với Thần Thông bí mật như vậy chẳng phải là nơi mà sức theo kịp. Rất bí mật trong bí mật ấy là Chủ của Tâm Mật, cho nên nói là Bí Mật Chủ, hay cầm giữ Ấn này cho nên nói là Chấp Kim Cương (Vajra-dhāra).
Vì Kim Cương Tát Đỏa Bồ Tát cầm chày Kim Cương cho nên có tên gọi là Kim Cương Thủ (Vajra-pāṇi), thuộc Kim Cương Bộ (Vajra-kulāya) là thân hóa hiện Phẫn Nộ c ủa Bồ Tát Đại Thế Chí (Mahā-sthāma-prāpta) cùng với nhóm Quán Âm (Avalokiteśvara), Văn Thù (Maṃjuśrī) hợp làm Tam Tộc Tính Tôn, phân biệt đại biểu cho ba loại đặc tính là Lực Lượng, Từ Bi, Trí Tuệ… cho nên xưng là Đại Lực Kim Cương Thủ.
Trong điển Tịch của Phật Giáo: Khi Đức Tỳ Lô Giá Na Phật (Vairocanabuddha) nhập vào Phổ Hiền Tam Muội (Samanta-bhadra-samādhi) thì sinh ra Kim Cương Tát Đỏa (hay Kim Cương Thủ) cho nên Kim Cương Tát Đỏa thuộc Phật Bộ (Buddhā-kulāya) cùng với Bồ Tát Phổ Hiền (Samanta-bhadra) là vị Thánh Tôn đồng Thể khác tên, cũng được xưng là Kim Cương Tâm Bồ Tát (Vajra-citta-bodhisatva) .
Tạng Truyền Phật Giáo ghi nhận Kim Cương Tát Đỏa là một trong rất nhiều vị Kim Cương Trì (Vajra-dhāra), thường thường giảng giải đến Pháp Thân Phổ Hiền. Theo Giáo Lý thì năm Đức Phật ở năm phương là năm vị Kim Cương Trì: Đại Nhật Như Lai ở phương trung ương, A Súc Phật ở phương Đông, Bảo Sinh Phật ở phương Nam, A Di Đà Phật ở phương Tây, Bất Không Thành Tựu Phật ở phương Bắc. Riêng Pháp Thân Phổ Hiền tức là vị Kim Cương Trì thứ sáu thì chính là Kim Cương Tát Đỏa và Ngài còn có tên gọi là Kim Cương Tổng Trì.
Bí Tạng Ký ghi nhận Tôn này là Kim Cương Tát Đỏa của Thai Tạng Giới (Garbha-dhātu) Phần cuối của Bí Tạng Ký lại đề cử Ngài là Tát Đỏa (Satva) của Kim Cương Giới (Vajra-dhātu).
Kim Cương Tát Đỏa tượng trưng cho tâm Bồ Đề bền chắc chẳng hoại và ý nghĩa phiền não tức Bồ Đề. Tôn này là Bộ Chủ của Đại Trí Kim Cương Bộ, chủ về Đức chiết phục, có Bản Thệ là tồi phá tất cả Ma ác.
Phát nguyện của Đức Kim Cương Tát Đỏa
Đức Kim Cương Tát Đỏa là một vị Phật chủ về Tịnh hóa. Ngài được coi là vị Phật quyền uy nhất trong tất cả chư Phật và chư Bồ Tát. Trong quá khứ, khi đang còn tu học, Đức Kim Cương Tát Đỏa từng phát lời thệ nguyện như sau:
“Trong tương lai, khi ta chứng đắc Phật quả Toàn hảo, nguyện cho những ai phạm phải ngũ trọng tội với quả báo nhãn tiền, hoặc bất kỳ ai bị bể giới nguyện Tam muội da, đều được tịnh hóa hoàn toàn mọi hành động tổn hại và sự hủy phạm giới nguyện nếu nghe được tên ta, niệm tưởng đến ta hay nhất tâm trì tụng Chân ngôn Trăm âm, chân ngôn tối thắng uy lực trong hết thảy mật chú! Chừng nào chưa thành tựu như vậy, ta nguyện còn trong luân hồi sinh tử! Nguyện ta sẽ thị hiện trước tất cả những ai lỡ hủy phạm và bể giới để tịnh hóa cho họ mọi bệnh tật, phiền não, chướng ngại!”
Vì những sức mạnh và uy lực như vậy, lời thệ nguyện giác ngộ của Đức Kim Cương Tát Đỏa vô cùng độc đáo và khác biệt so với lời thệ nguyện của các vị Phật khác. Về bản chất sâu xa, Đức Kim Cương Tát Đỏa là hiện thân của một trăm bộ Phật, ngũ bộ Phật cùng hết thảy Như Lai không phân biệt. Bởi Ngài là bậc Tối thắng chủ của một trăm Phật bộ và độc Phật bộ Đại Mật, ngài không giống với bất cứ bản tôn nào khác. Bất cứ ai đều có thể thành tâm sám hối bằng cách đối trước bất cứ Đức Phật nào trong mười phương chư Phật, quán tưởng chư Phật trong cõi Tịnh độ của các Ngài. Nhưng, cách quán tưởng thù thắng nhất được khuyên nên thực hành, đó là hành giả thực hành sám hối bằng cách quán tưởng bậc Thượng sư của mình bất khả phân với Đức Phật Kim Cương Tát Đỏa, từ Ngài hiện khởi hết thảy Mạn đà la giác ngộ và hết thảy Mạn đà la giác ngộ lại thể nhập nơi Ngài.
Thần chú
Thần chú 100 âm tiết của Đức Kim Cương Tát Đỏa là một thực hành bắt buộc đối với bất kỳ hành giả thuộc trường phái Kim Cương Thừa và là một trong 4 thực hành sơ bộ nhằm để tiêu trừ nghiệp xấu.
Thực hành pháp Kim Cương Tát Đỏa thông qua thiền định là phương thức loại bỏ những trở ngại che giấu nhận thức của một người về bản chất thật của tâm trí sẵn có, nó sẽ dẫn đến cái nhìn sâu sắc từ tất cả các mức độ tinh tế của sự tồn tại.
Thần chú phiên bản gốc tiếng Phạn được dịch sang tiếng Latinh:
Oṃ Vajrasattva Samayam Anupālaya Vajrasattva Tvenopatiṣṭha Dṛḍho Me Bhava Sutoṣyo Me Bhava Supoṣyo Me Bhava Anurakto Me Bhava Sarvasiddhiṃ Me Prayaccha Sarvakarmasu Ca Me Cittaṃ Sreyaḥ Kuru Hūṃ Ha Ha Ha Ha Hoḥ Bhagavan Sarvatathāgatavajra Mā Me Muñca Vajrī Bhava Mahāsamayasattva Aḥ
Phiên bản ngắn
OM VAJRASATTVA HUM
Ý nghĩa của thần chú
Kính ngưỡng Đức Vajrasattva, xin Ngài bảo vệ Bổn Nguyện.
Khi Ngài Vajrasattva hiện trước mặt con xin hãy quả quyết với con rằng Ngài đại hỷ với con.
Xin hãy dưỡng dục con với tất cả tấm lòng.
Xin hãy yêu thương con tha thiết vô cùng.
Xin hãy ban cho con thành công trong mọi sự.
Và xin hãy cho tâm con được an tịnh nhất trong mọi hành động. HUM
Hỡi Đức Thế Tôn! Kim Cương của Tất Cả Như Lai! Xin Ngài đừng bỏ con!
Xin Ngài hãy là Kim Cương Thủ, Ngài của Đại Bổn Nguyện! ÃH (HUM PHAT)
Bản dịch khác: “Xin chào, Vajrasattva! Ngài đã tạo ra sức mạnh tâm linh theo lời nguyện của mình, với những hành động thánh thiện mong muốn giải thoát chúng sinh khỏi vòng tròn sinh tử Dù điều gì xảy ra trong cuộc sống của tôi, hạnh phúc hay đau khổ, tốt hay xấu, thì tôi vẫn giữ cho tâm trí luôn vui vẻ, thanh thản, và không bao giờ bỏ cuộc, nhưng xin hãy hướng dẫn tôi!
Hãy cho tôi tiến gần hơn với Vajra của tất cả chư Phật, cho tôi khả năng nhận ra bản chất cuối cùng của hiện tượng. Xin hãy thanh lọc tâm trí tôi, phát triển những phẩm chất tốt đẹp trong tôi, đạo đức và hạnh phúc. Thật tuyệt vời, người Thầy của tôi!”
Lợi ích trong trì niệm
Thần chú mang lại lợi ích to lớn cho người tụng niệm, nó có tác dụng tích cực trong việc xóa bỏ những khuynh hướng quen thuộc, những chướng ngại, những cảm xúc mâu thuẫn hoặc tiêu cực, những thói quen tiêu cực mà chúng ta thường mắc phải trong cuộc sống. Ngoài ra, thần chú Kim Cang Tát Đỏa còn được cho là có khả năng làm sạch nghiệp chướng, mang lại sự tĩnh lặng trong tâm trí, và phát triển tất cả các hoạt động giác ngộ nói chung.
Bạn có thể hình dung tâm trí của mình như một bầu trời, những đám mây lơ lửng bên dưới. Những đám mây đến và đi, nhưng bầu trời vẫn như thế, xanh và yên bình. Mặc dù màu xanh của nó có thể bị che khuất, nhưng nó không bao giờ biến mất.
Những đám mây giống như lòng tham, sân hận và ảo tưởng làm ô nhiễm tâm trí. Do bản chất tạm thời của những trạng thái tiêu cực này nên chúng không thể được coi là một phần vốn có của tâm trí. Chúng có thể che giấu bản chất thật của tâm trí, từ bi và thanh bình, nhưng những phẩm chất đó không bao giờ vắng mặt.
“Trong tương lai, khi tôi đạt được Phật quả hoàn toàn, những người có cam kết Samaya mà lỡ phạm sai lầm trong quá khứ, bị những ảo tưởng che mờ đi bản chất tốt lành vốn có, thì sẽ được thanh tẩy hoàn toàn chỉ bằng cách gọi tên tôi, hoặc niệm hàng trăm âm tiết này, thần chú vĩ đại trong tất cả các thần chú bí mật!” Lời nguyện của Đức Kim Cang Tát Đỏa.
Thực hành thần chú Vajrasattva bao gồm “Bốn Phát Tâm”. Trong khi tụng niệm thần chú, chúng ta nên hình dung Bồ tát Kim Cương Tát Đỏa trên đỉnh đầu, và luân phiên quán chiếu những điều này như là cách để làm sạch các chướng ngại che mờ tâm trí.
Trong Mật thừa thì Pháp tu niệm Kim Cương Tát Đoả là Pháp yếu Tối thắng.
Như người trước khi chưa thọ giới quy y tạo mười nghiệp bất thiện, lại có người sau khi thọ giới Thanh Văn, giới Bồ Tát, giới Mật thừa lại vi phạm giới luật nếu tu pháp này đều có thể sám trừ.