Đức Chagdud Tulku Rinpoche – một vị thầy người Tây Tạng của trường phái Kim Cương Thừa Tây Tạng Nyingma đã từng dạy rằng: “Trong tất cả các phương pháp tích lũy công đức nhờ bố thí, cúng dường đèn bơ chỉ đứng ngay sau cúng dường Tsok”. Ánh sáng của nến bơ là cúng dường mãnh liệt nhất, xua tan tăm tối và thắp sáng lên trí tuệ của Phật trong bóng tối vô minh. Dâng cúng đèn là cúng dường tánh thấy lên mắt Phật và vì mắt Phật là mắt trí tuệ nên chúng không có sự đối nghịch của ánh sáng hay bóng tối – điều là mắt thường của chúng ta không thể làm được. Bởi đôi mắt trần thịt của chúng ta đã bị bóng tối của bất tịnh thô (phiền não, ngã chấp) và bất tịnh vi tế (pháp chấp) che lấp.
Tuy cửa nhà Phật không có nhu cầu gì với vật cúng nhưng chúng ta có thể cúng dường nến bơ để tích lũy công đức và trí tuệ cho bản thân. Việc tích lũy dần dần này sẽ giúp chúng ta loại trừ bất toàn của đôi mắt mình và đạt đến tuệ nhãn toàn giác của Phật.
Cúng dường ánh sáng mà cụ thể hơn là nến bơ sẽ đem đến kết quả chứng ngộ trí tuệ Tịnh Quang, xóa sạch tâm phân biệt, dẹp tan sự rối loạn và tăng cường trí tuệ trong đời sống cho đến khi đạt được giác ngộ.
Ngoài ra, nến bơ cũng còn dùng thắp lên ánh sáng trí tuệ để cúng dường và dẫn đường người quá cố đi trong cõi bardo. Ánh sáng này cũng được chúng ta cầu nguyện soi đường cho toàn thể chúng sanh trong sáu cõi, tịnh hóa mọi chướng nghiệp của họ để đánh thức tuệ giác chân thật của chính mình.
Khi cúng dường nến bơ, cần phải có lòng tin và sùng kính chân thành thì ánh sáng sẽ đến toàn thể chư Phật, Bồ Tát và Thánh chúng.
Lợi ích của việc cúng dường ánh sáng đã được Đức Phật Thích – Ca Mâu – Ni nêu ra trong Kinh Phạm Âm:
01. Trở thành ngọn đèn của pháp giới;
02. Có huệ nhãn thanh tịnh nhìn thấy các cảnh giới vô hình ngay trong thân người;
03. Thành tựu thiên nhãn thông;
04. Đạt được trí tuệ thấu suốt thiện pháp và bất thiện pháp;
05. Loại trừ tâm bám chấp vào sắc tướng;
06. Luôn sống trong ánh sáng trí tuệ;
07. Có được tái sinh trong thân người hay chư thiên;
08. Vui hưởng cuộc sống giàu sang phú quý;
09. Sớm được giải thoát;
10. Chóng đạt giác ngộ.
Ý nghĩa của việc cúng dường nến bơ:
Cúng dường ánh sáng (nến bơ) là phương tiện tẩy trừ bóng tối vô minh, thắp lên sáng tỏ và trí tuệ. Chúng ta dâng cúng với mong muốn ánh sáng mãnh liệt đó sẽ soi sáng các cõi thaaos và bardo, làm vơi đi bớt nỗi khổ chúng sanh và đạt được trí tuệ cao quý để thấu hiểu hạnh phúc là thiện nghiệp của thân, khẩu và ý. Mặt khác, chúng ta cúng dường để ánh sáng bí mật của giác tánh sẽ xuất hiện trong tâm của mọi chúng sanh và xua tan bóng tối vô minh và che chướng của kiến chấp.
Những đối tượng tuyệt hảo và thanh tịnh để chúng ta cúng dường là Tam bảo – Phật, Pháp và Tăng; Tam căn – Bậc thầy, Bổn tôn và Dakini; và các vị hộ pháp.
Việc cúng dường phải được thực hiện hết sức cẩn thận vì công đức tạo ra phụ thuộc vào thanh tịnh, chân tâm, quán tưởng và quá trình chuẩn bị vật phẩm. Nếu mọi quá trình đều được dụng tâm thực hiện vì công đức tăng trưởng là việc không cần phải bàn cãi. Vì vậy cho dù chỉ cúng một ngọn đèn, một ánh nến nhưng chân thành, tâm thanh tịnh thì vẫn nhận được công đức to lớn. đúng như Đức Phật đã nói với ngài Xá Lợi Phất trong kinh “Những lợi ích của cúng dường đèn” đó là vượt qua sự tính toán của toàn thể các bậc Thanh Văn và Duyên Giác, công đức có được là không thể tính đếm, chỉ các bậc Như Lai mới biết rõ tường tận.
Có một câu chuyện ngắn được kể lại như thế này:
Vào thời Đức Phật, có một bà già rất nghèo sau khi thấy vua A Xà Thế cúng dường nhiều thùng dầu để đốt đèn dâng cúng Đức Phật ở Tịnh xá Kỳ Hoàn thì rất muốn cúng dường nhưng lại không có khả năng chi trả. Sau khi xin được hai đồng, bà bèn đến tiệm mua dầu.
Người bán dầu thấy vậy liền hỏi: “Bà ăn không no, uống chẳng đủ sao không lấy hai đồng này mua thức ăn mà lại đi mua dầu?”. Bà lão đáp rằng: “Lão nghe rất khó khăn để gặp Đức Phật, nay lão may mắn được sinh đời Phật mà lại chưa có dịp đi cúng dường lại thấy đức vua làm việc đại công đức, lão tuy nghèo khổ nhưng cũng muốn cúng dường ngọn đèn để phước đức lại cho đời sau.”Cảm động trước tấm lòng chân thành của bà lão, ông chủ liền đong thêm thành năm đồng tiền dầu cho bà.
Bà lão đem dầu thắp đèn trước Đức Phật và phát nguyện: “Con không có gì cúng Phật, chỉ có cây đèn nhỏ này. Nhưng do sự cúng dường này, mong cho con đời sau có trí tuệ, mong cho con tịnh hóa tất cả những chướng ngại và đưa họ đến giải thoát”.
Đêm hôm ấy điều kì diệu đã xảy ra, các ngọn đèn của vua cúng dường có ngọn tắt, ngọn đỏ chỉ duy ngọn đèn của bà lão là sáng nhất lại không hao dầu đến tận sáng. Tôn giả Mục Kiền Liên khi đi thu lại các cây đèn thì thấy một ngọn đèn đang cháy còn đầy dầu và đầu bấc mới bèn thổi tắt vì trời đã sáng nhưng vẫn không tắt được ánh sáng của ngọn đèn. Dù ngài có lấy tay bóp hay lấy y chụp lên thì nó vẫn sáng tỏa. Đức Phật sau khi chứng kiến mọi chuyện từ đầu đã bảo: “Mục Kiền Liên, có phải ông muốn dập tắt ngọn đèn ấy không? Ông không làm được đâu. Ông không di chuyển được nó, chứ đừng nói là dập cho nó tắt. Nếu ông đem được bốn biển mà tưới lên cây đèn này, nó vẫn không tắt được, tại sao? Vì cây đèn này đã được đốt lên để dâng cúng với tất cả niềm sùng kính, và với tâm trí thanh tịnh. Chính động cơ ấy đã làm cho nó có công đức vô cùng”.