[Mật Tông vấn đáp]
Phần III: Quan niệm của người tu Mật Tông!
1. Hỏi: Còn quan niệm của người tu Mật ra sao?
Đáp: Phần này trình bày về “cái nhìn” của người tu Mật với nhân sinh và vũ trụ. Điều này rất quan trọng, vì nó là mũi tên chỉ đường, và là cây gậy chống cho hành giả.
2. Hỏi: Thì cũng là nhân sinh quan và vũ trụ quan của Phật giáo chứ gì?
Đáp: Đại thể thì như vậy, nhưng vì Phật giáo quá bao la nên mỗi môn phái đều có một cái nhìn riêng, đứng từ vị trí và hướng đi của mình.
3. Hỏi: Vậy cái nhìn của Mật Tông ra sao?
Đáp: Người tu Mật cần phải thể hiện những điều sau đây:
- Lấy vũ trụ làm nhà.
- Lấy thiên nhiên làm bạn hữu.
- Lấy chúng sinh làm quyến thuộc.
- Lấy vạn hữu làm chân thân.
Và một vị tổ Mật Tông bên Tây Tạng đã nói:
- Tất cả mọi hình tướng đều là Niết Bàn.
- Tất cả mọi âm thanh đều là Chân ngôn.
- Tất cả mọi chúng sinh đều là Phật.
Đó, Mật Tông là thế đó, bạn đã hiểu chưa?
4. Hỏi: Thế là nghĩa làm sao?
Đáp: Mật Tông là:
- Sự sống hiện thực, hồn nhiên và tràn đầy.
- Giáo lý sống động, hàm súc và phong phú rút ra từ cuộc sống, từ kinh nghiệm hàng ngày.
- Lời thật, là chân lý, xóa mọi thành kiến, mọi danh xưng, khai thông dòng sống trào tuôn bất tận.
5. Hỏi: Nói nghe kêu lắm, nhưng tôi không hiểu gì!
Đáp: Gấp quá! Từ từ bạn sẽ hiểu và sẽ thấm. Đạo vốn tự nhiên, sao bạn lại muốn dồn ép vậy!
Bạn ơi! Như phần trên đã nói, Mật Tông chủ trương vào đời và nhập cuộc mà! Nhập cuộc, ở phần tướng là vào sự sống va chạm ở đời, và với “lớp áo thế tục” mà không bị cát bụi tình đời làm hoen ố. Vì sao? Vì tất cả cát bụi, tất cả cảnh vật đều là diệu dụng của Giác tính Bồ đề, nên mới nói “Mọi hình tướng đều là Niết bàn”. Nhập cuộc, ở phần hình là vào trong cái trật tự tự nhiên, không thủy không chung của trời đất mà vô ngại. Thế mới lấy “vũ trụ làm nhà” được chứ!
6. Hỏi: Có vẽ hấp dẫn đấy, thế rồi sao nữa?
Đáp: Câu trả lời trên đã nói lên vũ trụ quan của người tu Mật đấy. Vũ trụ quan đó là “Pháp giới dung thông, sự sự vô ngại”.
Quan điểm của Mật Tông là vũ trụ do:
- Pháp duyên khởi, hay
- Vô tận duyên khởi, hay
- Trùng trùng duyên khởi.
Phạm vi tài liệu này không cho phép giảng rộng hơn, nếu bạn muốn tìm hiểu xin đọc thêm kinh sách.
7. Hỏi: Còn gì về vũ trụ quan nữa không?
Đáp: Về bản thể của vũ trụ có hai quan điểm phát xuất:
- Đông Mật chủ trương “Lục đại thể”.
- Thai Mật chủ trương “A tự thể”.
Đây là những từ chuyên môn nói ra thêm nhức đầu, khi nào bạn đào sâu nghiên cứu sẽ rõ, hơn nữa, phần vũ trụ quan bạn chỉ nên tìm hiểu theo câu đáp trên về “Pháp giới duyên khởi” ngoài ra không nên quá quan tâm, mà cần chú ý đến phần “nhân sinh quan” tức là phần Hành nhiều hơn. Bởi vì Mật Tông là “Hành”.
8. Hỏi: Chủ trương “Hành” thế nào?
Đáp: Người tu Mật là người:
- Đem sự về Lý.
- Đem Nhân về quả.
- Đem Phật về với chúng sinh.
9. Hỏi: Thế là thế nào?
Đáp:
- Đem Sự về Lý là chuyển tất cả những sự tướng khác biệt của thế gian và xuất thế gian trở về với “Lý thể bình đẳng” duy nhất của mọi sự vật.
- Đem Nhân về Quả là chuyển nghiệp báo sinh tử luân hồi của chúng sinh đến thành quả vị Phật.
- Đem Phật về với Chúng sinh là vận dụng tâm Từ bi rộng lớn, dùng phương tiện nhiệm màu để làm lợi lạc, để giải thoát cho tất cả chúng sinh trong toàn pháp giới.
Như vậy người tu Mật phải:
- Xoay Sự về Lý để có “Lý sự viên dung”. Tác nhân thành quả để “Vượt lên nhân quả” hay là có “Nhân quả đồng thời”.
- Đem Phật đến với chúng sinh để được “Tức thân thành Phật”!
10. Hỏi: Tôi nghe nói tu theo Mật Tông là “Tức thân thành Phật”, xin nói cho rõ.
Đáp: Đây là đi vào yếu chỉ của Mật Tông rồi. Yếu chỉ đó là:
“Đương tướng tức đạo”.
“Tức sự chi nhân”.
“Tức thân thành Phật”.
Tức là cái tướng hiện hữu của thế gian này là Đạo. Tất cả các pháp hữu vi, sự vật đều là Thật, và thân này là Phật.
Đây là phần nhân sinh quan sâu sắc, và cũng là điểm quan trọng khác biệt giữa cái nhìn của Mật Tông và Thiền Tông.
11. Hỏi: Nhìn khác nhau thế nào?
Đáp: Nói ra thì dài dòng lắm, viết thành cả cuốn sách mới hết, tuy nhiên, có thể tóm lược những điểm chính căn bản để dễ phân biệt:
Yếu chỉ của Thiền là:
“Trực chỉ nhân tâm,
Kiến tính thành Phật”.
Do đó cái nhìn của Thiền là trở về nội quan, cho nên:
- Thiền chủ trương “Phá Tướng nhập Tính”.
- Mật chủ trương “Dụng Tướng nhập Tính”.
Ngoài ra:
- Thiền chủ trương “Từ Tĩnh vào Định”.
- Mật chủ trương “Từ Động vào Định”.
12. Hỏi: Còn gì thêm nữa?
Đáp: Còn nhiều lắm chứ, nhưng trước khi nói thêm, xin mở ra đây một dấu ngoặc, để nói ra ngoài một chút. Đó là ở Việt Nam ta, quan điểm của Thiền thường được phổ biến nhiều hơn cả, do đó các đạo hữu Phật tử thường nhìn các pháp môn khác qua cặp kính Thiền, thế có nghĩa là đứng ở góc cạnh Thiền mà nhìn Mật, nhìn Tịnh Độ, nhìn Nguyên Thủy,… nên thường có kiến chấp sai lầm, nhất là thường chấp vào hai quan điểm trên, đòi hỏi “Phá tướng” và đạt được “Tĩnh” kiến chấp như vậy làm trở ngại lớn cho người tìm Đạo. Xin đóng ngoặc lại để tiếp tục trình bày và xin bạn, nếu có kiến chấp nào hãy bỏ đi nhé!
13. Hỏi: Vâng, xin cứ tiếp tục.
Đáp: Xin lần lượt kể:
- Thiền là trở về nội tâm, mọi tướng đều phá. Mật là nội ngoại dung thông, tướng tâm đồng dụng.
- Tinh thần Thiền là phá chấp triệt để, tinh thần Mật là chẳng chấp tướng mà cũng không phá tướng, nhưng từ hữu tướng vào vô tướng.
- Chỗ ngồi của Thiền là “Đương sứ”, là ở đây, chỗ này, không quá khứ, không vị lai. Chỗ ngồi của Mật là "Tự tại vô ngại", ra vào dung thông nhiếp cả Tam thế.
- Thiền cho rằng:
Một giờ Thiền là một giờ Phật,
Một ngày Thiền là một ngày Phật,
Một đời Thiền là một đời Phật.
Mật cho rằng:
Phật ở trong ta,
Phật ở ngoài ta,
Phật hằng có đó,
Phật chính là Ta.
- Thiền quyết định:
Gặp Phật cũng đuổi,
Gặp ma cũng đuổi,
Xua đi hết cả,
Chỉ còn tâm ta.
Mật quyết định:
Ta gửi ta nơi Phật,
Phật gửi Phật trong ta,
Cùng nhau đều cứu độ,
Chẳng còn Phật còn ta.
- Thiền chủ trương:
Ngoài chẳng nhờ trợ duyên,
Trong không móng khởi tâm tạo tác.
Mật chủ trương:
Ngoài cần cầu tha lực,
Trong tự lực khởi sanh,
Tự - Tha đều là một,
Mọi việc mới viên thành.
Đó, tóm lược trên đây là những điểm khác biệt chính yếu.
14. Hỏi: Tôi đã khái quát thấy sự khác biệt, vậy tóm lược như thế nào?
Đáp: Tóm lại, người tu Mật:
- Đi từ Sinh Diệt Môn vào Chân Như Tính.
- Đi từ Tướng dụng vào Thể, và chuyển “Phước nghiệp hữu lậu” thành “Công đức vô lậu” nhờ phương tiện là Chân ngôn.
15. Hỏi: Mấy câu hỏi trên đã làm một sự so sánh giữa Thiền và Mật, giờ xin trở về phần quan niệm của Mật.
Đáp: Vâng, Mật khẳng định là:
“Đời Đạo không hai,
Đạo nằm trong Đời,
Đời không xa Đạo”.
Do đó địa bàn hoạt động của người tu Mật là ngay trong cuộc sống hàng ngày, đó chính là “Đương tướng tức Đạo” . Ngoài ra, người tu Mật quan niệm là chính việc làm hàng ngày sẽ làm tròn “cái Sự”, và hiển “cái Lý” để có “Lý Sự viên dung”.
16. Hỏi: Đồng ý điểm này, nhưng tại sao lại “Tức sự nhi chân”.
Đáp: Sự là muôn pháp hữu vi. Sự là cái tướng bày ra muôn hình tượng. Tất cả đều là “Diệu Hữu”, đó là thấy thực tướng. Bởi vậy cho nên mới “Sự sự vô ngại”. Lại nữa, người tu Mật hiểu rõ Sự là “Thể” nên thấy được cái thực nằm trong đó.
17. Hỏi: Đối với Mật Tông, giữa Sự và Tướng liên quan ra sao?
Đáp: Như trên đã nói, Sự là Thể, là Tướng. Mà Tướng do nhân duyên sinh, bởi diệu hữu mà thành thế nên “Tức sự tức tướng”. Sự tức là Tướng vậy.
18. Hỏi: Tại sao lại “Dụng tướng nhập tính”
Đáp: Điểm này là căn bản, nếu không nắm được thì dễ lầm giữa Thiền và Mật, Thiền thì từ “Không” vào “Chân như tính”. Mật thì từ “Diệu hữu” vào “Chân như tính”. Vì như trên đã nói, Tướng do “Diệu hữu” thành, mà “Diệu hữu” là “Chân như”, là cái Dụng của Chân không cho nên thường nói “Chân không diệu hữu”.
Mật Tông vì “Không phá tướng” và thấu được “Thực tướng của tướng”, nên dùng “Tướng” mà đi vào.
19. Hỏi: Có tu Tiên đâu mà “lấy thiên nhiên làm bạn hữu”?
Đáp: Trở về với thiên nhiên là trở về với sức sống tràn đầy, với cái thượng hằng hiện hữu. Người tu Mật nhìn thiên nhiên để thấy vũ trụ, để thấy vạn pháp, để làm bạn tu, chứ không để an trụ, để thưởng thức như một Tiên Ông.
20. Hỏi: Hay quá! Xin khai triển thêm nữa.
Đáp: Người tu Mật hiểu rằng bên ngoài thiên nhiên hay vũ trụ là một dòng sống luân lưu không ngừng nghỉ, nó vận hành liên tục, không bao giờ lập lại. Còn bên trong con người thì mang đầy kiến chấp, nó là một ao tù chứa những thói quen, kinh nghiệm và khuôn thức định sẵn, do đó, phải bỏ cái trong để mở ra mà nhập vào cái ngoài. Khi đã hiểu rõ sự sống, đã nhập vào sự sống thì mới thấy được cái “Diệu hữu” để thấy cái “Tính không” của Bát nhã. Và thực hành trọn vẹn câu “Ngũ uẩn giai không, độ nhất khổ ách” trong Tâm Kinh.
Vậy thì thiên nhiên là người bạn đồng hành, là kẻ chỉ đường cho ta đến chỗ chánh giác.
21. Hỏi: Sao lại “Lấy chúng sinh làm quyến thuộc”?
Đáp: Phật dạy: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Vậy thì bạn đã quyết định làm Phật hiện kiếp này, chúng sinh là Phật vị lai, vậy không là quyến thuộc là gì?
Nhưng câu này còn có ý nghĩa nhắc nhở nhiệm vụ của người tu Mật là chúng sinh đang cần cứu độ, vì là người đồng hội đồng thuyền với ta, và muốn người tu Mật không quên ơn chúng sinh, biết phục vụ chúng sinh là cúng dường chư Phật. Và sau cùng nó mang ý nghĩa đầy đủ nhất là “Một là Tất Cả, Tất Cả là Một”.
22. Hỏi: Còn “Lấy vạn hữu làm chân thân”?
Đáp: Vạn hữu là thân ta trong cái nhìn đồng nhất thể. Trong cái nhìn hiểu Đạo của người tu Mật.
Vì thật ra mình có mặt trong các thực thể khác, và các thực thể khác cũng có mặt nơi mình trong dòng chuyển lưu của vũ trụ. Ngoài ra còn nói lên cái tâm đại bi thương vạn hữu như thương chính thân mình không khác.
23. Hỏi: Thế nào là “Tất cả âm thanh đều là chân ngôn”?
Đáp: Đây là câu nói của bậc chứng lý và đạt Đạo rồi. Đối với chúng ta thì không thấy được như vậy. Tuy nhiên ta có thể giải thích tóm lược như sau:
Vì chân ngôn phát ra từ chân như thể tính, mà các âm thanh của vũ trụ cũng từ tính hiện tướng, do đó nó đồng thể.
Đây còn nói thêm cái phần bí nhiệm của chân ngôn, mà nếu bạn muốn thấy, muốn hiểu thì xin thực hành, thực tu sẽ thấy.
24. Hỏi: Quan niệm của người tu Mật đối với chân ngôn thế nào?
Đáp: Là phương tiện để giải thoát cho mình. Để độ thoát chúng sinh.
25. Hỏi: Làm thế nào để trì “Chân ngôn” cho có hiệu quả?
Đáp: Câu này bạn sẽ được Thầy chỉ cho bạn khi nào bạn thực sự vào pháp hành, vì nó thuộc mật truyền. Thường bên Mật Tông khi một vị Thầy truyền cho đệ tử một câu chân ngôn là vị Thầy đó đã hành quan, đã giàu kinh nghiệm và đã nắm được yếu quyết của nó. Tuy nhiên, có thể trả lời bạn tổng quát như thế này:
- Trước hết đừng nôn nóng cầu đắc, cầu chứng.
- Tâm ý phải thanh tịnh, không mưu tính bất chính.
- Không dùng chân ngôn trong những trường hợp thiếu tâm Bi.
- Không nói dối, xảo trá, lừa dối, ngụy biện.
- Phải thành khẩn , siêng năng.
Sau nữa còn những điểm dành cho người tu Mật đó là:
- Phải biết nguyện với thành.
- Phải có ấn mới quyết định.
Đa số các bạn của chúng ta thường bị cái lỗi lầm là nghe thấy một câu chú “hay”, có “công năng lớn” là đem ra hành trì, không cần có Thầy chỉ dẫn. Như vậy chỉ uổng công mà chẳng đem lại kết quả gì. Nếu tu chân ngôn mà dễ như thế thì ai tu chẳng được! Rất đáng buồn là đã có những bạn bỏ phí cả những năm tháng dài, để chạy theo sự tham mê vô vọng đó, rồi khi không được gì đâm ra chán nản, mất tin tưởng và quay ra phỉ báng. Lỗi đó tại ai?
Đây cũng là chỗ bí nhiệm của “Mật Môn”. Đừng tưởng coi sách là đủ đâu! Những gì được viết ra sách là không còn mật nữa, là thuộc về “công truyền”. Những gì không được viết ra, do Thầy truyền mới là “Mật truyền”, tâm truyền đấy bạn ạ!
Bạn ơi! Chân ngôn là một chén thuốc bổ, nhưng đối với người nào đó nó trở thành thuốc độc, và đối với người khác nó là thuốc trường sinh. Tôi đã trả lời bạn câu này hơi dài rồi, bạn hãy tự tìm ra câu giải đáp cho mình, xem mình đã áp dụng đúng chưa.
26. Hỏi: Khó quá, ông làm tôi nản chí, biết bao giờ mới gặp được Thầy, biết bao giờ mới tìm được Pháp?
Đáp: Bạn ơi, Phật pháp bất khả tư nghị, có duyên rồi sẽ gặp. Bạn cứ chân thành cầu thì sẽ được!
27. Hỏi: Ông có kinh nghiệm gì giúp tôi trong vấn đề này?
Đáp: Câu đáp chỉ có thể là “Tùy phước duyên” của bạn! Theo kinh nghiệm thì thời này thật ít, giả nhiều, nên phải hết sức thận trọng, đừng vội dễ tin, chính Đức Thế Tôn dạy ta như thế, thà một ngàn ngày không ngộ còn hơn một ngày vấy ma, đừng đuổi ma đi để đón quỷ về!
Có “đi” thì có “tới”, có “cầu” thì có “ứng”. Theo kinh nghiệm của tôi, quý bạn cần hết sức chân thành khẩn cầu gặp Mật thì sẽ được đáp ứng. Tôi xin tặng quý vị một bài kệ để khởi tâm chí thiết khẩn cầu:
"Con chắp tay cầu Phật,
Đức Bổn Sư Thích Ca,
Xin cho con hiểu Mật,
Để chuyển hóa Ta Bà.
Con chắp tay cầu Phật,
Đức Tỳ Lô Giá Na,
Xin cho con gặp Mật,
Để cứu độ Ta Bà."
28. Hỏi: Người tu Mật Tông quan niệm về “Lý” thế nào? “Sự” thế nào?
Đáp: Lẽ dĩ nhiên là “tức lý tức sự, lý sự viên dung”, nhưng về hành thì:
Lý là tự giác để giải thoát mình bằng Trí Huệ. Sự là đại nguyện cứu độ chúng sanh bằng Từ Bi.
29. Hỏi: Còn phương tiện?
Đáp: Phương tiện là cứu cánh – vì dùng ngay phương tiện này để giải thoát cho mình và cho người.
30. Hỏi: Có giới hạn, phạm vi gì không?
Đáp: Đối tượng là chúng sinh vô lượng. Phạm vi là không có bờ mé, không phân biệt. Thời gian là mãi mãi không ngừng nghỉ, hay nói khác đi, phạm vi là vô biên, thời gian là vô tận vậy.
31. Hỏi: Nhưng vậy e rộng quá làm không nổi!
Đáp: Tu Mật phải có “Tín Tâm” vững, “Nguyện Lực” lớn mới thành.
32. Hỏi: Vì sao?
Đáp: Vì quyết định thành Phật thì phải có tâm Phật chứ! Do đó người tu Mật Tông quan niệm là:
- Việc làm của chư Phật là việc làm của mình.
- Nguyện của chư Phật là nguyện của mình.
- Chúng sinh của chư Phật là chúng sinh của mình.
- Cái gì của chư Phật là của tất cả chúng sinh.
33. Hỏi: Vậy thì nhìn sự việc ở đời cũng phải khác chứ?
Đáp:
- Nơi nào cũng là “Diệu hữu”.
- Nơi nào cũng là “Tam bảo”.
- Nơi nào cũng là “Như Lai pháp thân”.
34. Hỏi: Quan niệm hằng thường ra sao?
Đáp:
- Hằng thường tri ân.
- Hằng thường thương xót.
- Hằng thường chân thật.
- Hằng thường quán chiếu.
- Hằng thường xả kỷ.
- Hằng thường hồi hướng.
- Hằng thường giải thoát.
35. Hỏi: Người tu Mật trụ tâm ở đâu?
Đáp: Trụ ở niệm giải thoát, và giải thoát luôn niệm đó.
36. Hỏi: Thế nào là trong niệm giải thoát?
Đáp: Trước hết người tu Mật phải “dán” chữ “không” ngay trên trán đã. Nếu không dán được thì đừng lý luận đến giải thoát.
Trụ trong giải thoát là:
- Làm muôn vàn hình tướng nhưng vẫn từ Như hiện ra.
- Làm muôn vàn đối đãi nhưng vẫn hằng thanh tịnh.
37. Hỏi: Quan niệm về phước trí?
Đáp: Phước trí đồng hành song tu. Người tu Mật quan niệm “Hạnh ở đây, Trí bên kia” nghĩa là làm hạnh cứu độ để đạt lý tính.
38. Hỏi: Như vậy cũng lấy “Lục độ” làm căn bản phải không?
Đáp: Người tu Mật Tông hành đại hạnh của Bồ Tát gồm 10 độ Ba – La – Mật. Đó là:
- Bố thí Ba – La – Mật.
- Trì giới Ba – La – Mật.
- Nhẫn nhục Ba – La – Mật.
- Tinh tấn Ba – La – Mật.
- Thiền định Ba – La – Mật.
- Bát nhã Ba – La – Mật.
- Phương tiện thiện xảo Ba – La – Mật.
- Nguyện Ba – La – Mật.
- Lực Ba – La – Mật.
- Trí Ba – La – Mật.
Trí sau cùng là trí huệ rốt ráo.
39. Hỏi: Từ trước tới giờ chỉ thấy nói “Lục độ Ba – La – Mật” ít nói tới "Thập độ Ba – La – Mật". Xin nói cho rõ chỗ khác nhau.
Đáp: Khác nhau ở chỗ:
- Hành lục độ đến quả vị Đẳng giác.
- Hành thập độ đến quả vị Diệu giác.
Thường thì Bồ Tát từ Bát địa trở lên mới thường hành Thập độ, vì lúc đó đã tự tại trong pháp rồi:
- Dùng “phương tiện thiện xảo” để cứu độ rộng rãi chúng sinh, để trang nghiêm quốc độ.
- Dùng “Nguyện Ba – La – Mật” để trang nghiêm thân.
- Dùng “Lực Ba – La – Mật” để thanh tịnh pháp thân.
- Dùng “Trí Ba – La – Mật” để vào Diệu giác.
40. Hỏi: Xin cho biết sự khác nhau giữa độ thứ sáu là “Tuệ” hay “Trí Tuệ Ba – La – Mật” và “Trí Ba – La – Mật” trong độ thứ 10.
Đáp: Độ thứ sáu là trí tuệ Ba – La – Mật, tiếng Phạn là "Prajna paramita" hay Bát nhã Ba – La – Mật, chỉ sự quán thấu chân lý, thấy tính Không của các pháp và Diệu Lý Bình Đẳng.
Độ thứ 10 là Trí Ba – La – Mật, tiếng Phạn là "Jnãna paramita", chỉ sự quán thông vạn pháp, giữ vững Trung đạo, thấu suốt tất cả, thị hiện vô biên, y báo chính báo tròn đủ.
Đúng ra độ thứ sáu phải dịch là Bát nhã, độ thứ 10 mới dịch là Trí huệ, nhưng từ trước đến giờ đã quen dùng theo nghĩa Trí tuệ là chỉ độ thứ sáu thì cũng được thôi. Độ thứ 10 là Trí huệ rốt ráo, Trí huệ Phật đó.
41. Hỏi: Bây giờ thì tôi đã thấy tu Mật có nhiều điểm khác rồi, xin cho biết ý kiến về cái nhìn đối với Tịnh độ.
Đáp: Không cứ đối với Tịnh Độ, mà với bất cứ pháp môn nào người tu Mật Tông cũng đều “kính ngưỡng” cả. Người tu Mật không cho pháp môn mình là nhất, không dám chê một pháp môn nào, vì các pháp đều bình đẳng, đều là phương tiện để đi đến giải thoát.
Người tu Mật thấy trong pháp môn mình theo có đủ cả Thiền và Tịnh Độ, ngược lại, các pháp môn khác cũng có Mật nằm trong. Điều này khi nào các bạn thực hành, đi sâu vào pháp sẽ hiểu và thấy rất rõ.
Đối với Tịnh Độ, yếu chỉ là:
“Nhất tâm bất loạn,
Vãng sinh Tịnh Độ”.
Cần phải Tín sâu, Nguyện thiết và Hành trì miên mật. Những điều này rất gần với Mật môn. Hơn nữa, sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” là một đại thần chú, vô lượng lực, vô lượng quang, vô biên quang đấy.
42. Hỏi: Thế nào là Tam mật tương ứng?
Đáp: Nghĩa đơn giản của Tam mật là:
- Thân mật.
- Khẩu mật.
- Ý mật.
Tương ứng là ứng nhập cùng Phật, Bồ Tát. Thông thường giải chữ tương ứng là làm cho giống hay thành Thân, Khẩu, Ý của Phật. đó là cái nói của người trụ nơi lý thuyết không thật sự hành pháp, có thể nói thế này cho bạn dễ hiểu: người tu Mật dùng phương tiện của mình để:
- Biến “Sắc thân” hiện tại này thành “Pháp thân”, đó là Thân mật.
- Đưa cái ngôn ngữ giới hạn này trở lại với thực tướng của nó, rời danh tự, rời ngôn ngữ, rời tư duy, rời phân biệt, về cái chỗ xuất sinh vô lượng, vô biên nghĩa, vì rốt cùng âm thanh chính là thực tướng, và ngôn ngữ chính là chân lý, đó là Khẩu mật.
- Biến Thức thành Trí vô lậu đó là Ý mật. Nói ra dài lắm, phải hành mới hiểu được bạn ạ!
43. Hỏi: Vậy còn quan niệm nào tôi chưa hỏi?
Đáp: Còn chứ! Người tu Mật là:
- Dùng “Nghiệp” giải “Nghiệp”.
- Biến “Sắc thân” thành “Pháp thân”.
- Lấy “Mandala” làm “Niết bàn”.
- Lấy “Phương tiện” làm “Cứu cánh”.
- Lấy “Niết bàn” làm “Lạc”.
- Lấy “Độ sinh” làm “Nhiệm vụ”, là “Sinh thân công đức”.
- Lấy “Trí huệ thù thắng” để đi vào “Pháp”.
44. Hỏi: Xin nói cho rõ.
Đáp: Có một vài câu bên trên đã giải rồi, giờ chỉ nói câu nào chưa đề cập thôi:
- Lấy “Nghiệp giải Nghiệp” là làm “Thiện nghiệp” để giải hoặc chuyện “Ác nghiệp”.
- Biến “Sắc thân” thành “Pháp thân” là dùng phương tiện Mật môn, chuyển “Thức” thành “Trí”, biến cái thân tạp nhiễm, uế trược này thành thân vô cấu thanh tịnh.
- Lấy Mandala làm Niết Bàn đồng nghĩa với câu “Mọi hình tướng đều là Niết Bàn”, nghĩa là chỉ cuộc sống này phiền não tức Niết Bàn.
- Lấy phương tiện làm cứu cánh đã giải ở trên rồi.
- Lấy Niết Bàn làm Lạc. Vui vì ra khỏi sinh tử, vì vào chỗ thường hằng.
- Lấy độ sinh làm nhiệm vụ đã giải rồi.
- Lấy Trí huệ Thù Thắng để đi vào Pháp. Đây là ba nghiệp đều tùy Trí Huệ hành, luôn lấy Trí Huệ để soi sáng hành động.
45. Hỏi: Tôi vẫn còn thắc mắc ở chỗ Mật môn “dụng tướng”, xin nói rõ thêm.
Đáp: Câu hỏi rất hay, đây cũng là phần then chốt của Mật môn, và trả lời cũng khó, nếu không hiểu sâu vấn đề.
Thật ra con đường tu học Phật là “Lìa tướng”, “Lìa tri kiến” và “Kiến chấp”, Mật môn cũng không đi ra ngoài điều đó, nhưng nhận định thế này:
- Có Tướng thì có tưởng.
- Có Tưởng thì có Niệm.
Do đó, muốn đạt được chỗ “Vô tướng” thì phải đi từ chỗ “Vô niệm”. Thiền môn đã lấy điều này làm “Tông”. Mật môn thì thấy rằng, đã là phàm phu mà diệt Tướng thật là khó, do đó mới dùng phương tiện là “Lấy Tướng chuyển Tướng”. Dùng “Biểu tượng” để thay thế các tướng trong nội tâm (phần này đi sâu vào tiềm thức) nhập cái thuần khiết để thay thế cái tạp nhạp. Cũng ví như đứa trẻ đang chơi dao, nếu bạn, muốn nó bỏ dao đi kẻo sợ đứt tay thì tốt hơn hết là cho nó một cái gì cho nó nắm, đẹp hơn cái nó đang cầm thì nó sẽ bỏ ngay, còn nếu tự nhiên bảo nó bỏ thì khó quá! Đó là chỗ “Dụng Tướng để chuyển Tướng”, một cách êm thấm, ngoài ra, trong vấn đề dụng tướng này nó còn mang một ý nghĩa và công dụng rất là sâu sắc trong việc thanh lọc tâm thức của hành giả mà chỉ những người thấu hiểu Mật môn mới rõ. Và khi mà cái thuần khiết, cái thanh tịnh đã nhập rồi thì nó dễ hòa vào tính thể. Cho nên Mật môn “dùng tướng để lìa tướng”, “làm Thiện để lìa Ác”, khi đạt được Thiện rồi thì Thiện Ác đều bỏ, đó là chỗ rốt ráo.
Tâm chúng sinh thường “đa niệm” và “đa tướng” nên phải dùng “Chân ngôn” và “Biểu tượng” để phá “vọng tưởng” và “vọng niệm”, để sau cùng không còn trụ tướng nữa.
46. Hỏi: Như vậy trong các môn tu, môn nào khó?
Đáp: Thật ra môn nào cũng khó mà cũng dễ, tùy theo căn cơ mỗi người.
47. Hỏi: Vậy theo ông có nên chọn con đường Mật thừa không?
Đáp: Người nào có duyên với môn nào thì nên theo môn đó, đừng đứng núi này trông núi nọ, môn nào cũng là con đường đi đến giải thoát.
48. Hỏi: Nhưng hẳn là phải có con đường thù thắng chứ?
Đáp: Môn nào cũng thù thắng cả, nếu nắm được chìa khóa để mở cửa vào.
49. Hỏi: Vậy thì môn nào dễ tu nhất?
Đáp: Dễ tu nhưng khó nhập là Tịnh Độ. Khó tu và khó nhập là Thiền. Dễ tu mà khó nhập là Mật, nhưng nhờ có Chân ngôn nên có tha lực, vì vậy dễ thành tựu Pháp. Tuy nhiên Mật môn đòi hỏi phải khởi tâm Thiện và mở rộng tâm Từ Bi, nếu không, dễ lạc vào đường Tà. Mật là con dao hai lưỡi nên phải hết sức thận trọng.
50. Hỏi: Về hành trì Mật môn có khác các môn kia nhiều không?
Đáp: Khác rất nhiều, khi nào bạn thực hành sẽ biết. Có điều cũng cần nói luôn với bạn là, muốn tu Mật thì phải có “Đức tin kiên cố”, phải có “Trí huệ để nhận định” (đây là trí huệ thế gian), tức là phải sáng suốt, phải có “trực giác” nhạy bén, cảm quan để thấy.
Còn một điều nữa là tu Mật dễ đi vào mê tín dị đoan, dễ vào ảo tưởng, nên luôn luôn phải cảnh giác. Đó là điểm vì sao đòi hỏi trí huệ để không bị lạc đường.
51. Hỏi: Đã có thể kết luận được chưa?
Đáp: Tổng kết về quan điểm của Mật môn như sau:
- Đại bí mật làm Tông.
- Pháp giới chân như làm Thể.
- Bất tư nghị làm Dụng.
- Tam Mật làm Môn.
- Tối thượng thừa làm Giáo Tướng.
52. Hỏi: Còn điều gì khác biệt trong Mật môn nữa không?
Đáp: Mật môn là giai đoạn chót, nên trước khi nhập Mật thì phải hiểu rõ Đại thừa, vì Mật là nằm ở chỗ “Chung giáo”:
- Điểm khác thứ nhất của Mật môn là 9 thức biến thành 5 trí thay vì 8 thức biến thành 4 trí như các luận của Đại thừa thường nói.
- Điểm thứ hai là 7 đại làm thành vũ trụ thay vì 4 hay 6 như ta thường thấy.
- Điểm thứ ba là thường hành Thập độ Ba – La – Mật thay vì Lục Độ.
- Điểm thứ tư là dùng 4 pháp ấn thay vì 3 pháp ấn.
- Điểm thứ năm là có Lục Hoằng thệ nguyện thay vì Tứ.
Và một số điểm đã được nêu ở trên. Phần này đi vào Pháp môn, khi nào bạn học Mật sẽ được giải rõ.
53. Hỏi: Có gì để khuyến cáo không?
Đáp: Bạn ơi! Chân lý không phải cái gì cao xa mà nó linh hoạt, sống động và vận hành quanh bạn và tôi. Sống động do sự hiện hữu của chúng ta và vạn vật vận hành qua muôn dạng tướng hằng ngày ta gặp. Khởi điểm con đường tu hành là tự tâm ta. Do đó bạn cần phải nhìn thấy thật tâm bạn trước đã. Nếu thiếu điểm này thì tu pháp môn nào cũng chỉ là “tu giả” mà thôi!
Khi bạn đã thấy “Thật Tâm” của bạn rồi – không che đậy, không gạt gẫm, không bào chữa, không tự lừa dối mình – thì hãy quyết định tiến bước bằng con đường “Buông xả” đó là chìa khóa để đi vào mọi pháp môn.
Và khi quyết định thì hãy dũng cảm mà tiến bước như người chiến sĩ tuốt gươm vào trận, quên đi mạng sống của chính mình.
Lấy trí huệ làm đèn soi, lấy niềm tin làm động lực, lấy nhiệt tình làm sức sống, bạn cứ bước vào đi, với bất cứ pháp môn nào bạn cũng sẽ đến được bờ giải thoát.
Đạo là chỗ đơn sơ chân thật nhất, tôi mong bạn và tôi cùng gặp nhau trong đó.
Chúc bạn thực tu, thực tiến tu!
54. Hỏi: Xin cho những lời nói sau cùng.
Đáp: Trước hết, tôi phải tri ân bạn đã bỏ nhiều thì giờ để đọc tài liệu này, kết đến là tri ân các bậc Thầy đã dạy tôi bằng hành động hay qua sách vở. Sau nữa là tôi xin dâng hiến cúng dường Tam bảo và hồi hướng về Nhất Thiết Trí cùng toàn thể chúng sinh trong tứ sinh lục đạo. Tôi chỉ là “một người đầu bếp” dọn món ăn thôi! Và ở trên tôi đã tạm thời xào nấu lên một món ăn tương đối có chất lượng để mời bạn dùng làm duyên ban đầu.
Tất cả những gì tôi vừa nói trên, đều là những điều tôi đi vay mượn, rồi sắp xếp lại cho gọn gàng để “các bạn thiện duyên” suy ngẫm.
Tôi không ngại tài hèn, trí đoản mà dám làm một việc quá sức mình, tôi thành thực xin các Thầy, các Thiện trí thức hiểu nhiệt tình của tôi mà thương xót bỏ qua những lỗi lầm khiếm khuyết.
Sau cùng tôi xin sự chứng minh của:
- Tổ Pháp Mật Tông Tỳ Lô Giá Na Như Lai.
- Kim Cương Tát Đỏa,
- Long Thọ Bồ Tát.
- Kim Cương Trí.
- ...
[Mật Tông vấn đáp]
Đăng bởi: Nguyễn Phương Hà My - 07/01/2022
1. Hỏi: Còn quan niệm của người tu Mật ra sao?
Đáp: Phần này trình bày về “cái nhìn” của người tu Mật với nhân sinh và vũ trụ. Điều này rất quan trọng, vì nó là mũi tên chỉ đường, và là cây gậy chống cho hành giả.
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.