CÚNG DƯỜNG SUR – NHỮNG NGUYÊN TẮC CĂN BẢN

Thực hành Sur bao gồm hai điều – ‘chopa’ (cúng dường) và ‘jinpa’ (bố thí). Điều đầu tiên liên quan đến việc cúng dường lên những đối tượng cao hơn của sự kính trọng, tức Tam Bảo – Phật, Pháp và Tăng, và Tam Gốc – Đạo Sư, Bổn Tôn và Không Hành Nữ cùng chư Hộ Pháp. 

Orgyen Tobgyal Rinpoche giảng tại Dzogchen Beara, 01/09/2010

Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ

 

Gần đây, Dzongsar Khyentse Rinpoche và Orgyen Tobgyal Rinpoche[1] đã yêu cầu càng nhiều hành giả càng tốt dâng thực hành Sur để trả các món nợ nghiệp, một nguyên nhân quan trọng của sự hoành hành đáng báo động của COVID ở Ấn Độ và ở nhiều vùng khác trên thế giới. Năm 2010, Orgyen Tobgyal Rinpoche đã giải thích rất đơn giản cách tiến hành cúng dường Sur, điều không phải là một thực hành phức tạp. Bài giảng của Ngài dựa trên bản văn cúng dường Sur [theo truyền thống] Chokling. Ngài ban giáo lý này khi đang viếng thăm Dzogchen Beara để giúp đỡ xây dựng ngôi chùa Hộ Pháp mới. Trong chuyến viếng thăm, Ngài khuyên cúng dường Sur vì tất cả những người đã qua đời trong quá khứ ở vùng đó trong nạn đói khủng khiếp. Chúng tôi cũng thêm phần ghi hình Rinpoche hướng dẫn cách bắt các ấn mà Ngài nhắc đến.

Con người cần hai chân để đi và chúng ta cần tích lũy cả công đức và trí tuệ để phát triển những phẩm tính của một bậc giác ngộ. Vô số phương pháp để hoàn thiện hai sự tích lũy có thể được tìm thấy trong các Kinh điển và Mật điển. Và theo Mật thừa, thệ nguyện (Samaya) của Bảo Sinh Bộ – một trong năm gia đình Phật – là thực hành bố thí. Cúng dường Sur là một phương pháp Mật thừa để thực hành bố thí.

Có hai kiểu Sur, trắng và đỏ. Tôi sẽ giải thích những thực hành này rất ngắn gọn, bắt đầu bằng Sur Trắng.

I. Sur Trắng

1. Bốn Kiểu Khách Mời: Những Vị Thọ Nhận Cúng Dường Sur

Tôi sẽ bắt đầu bằng cách miêu tả những vị thọ nhận cúng dường Sur. Rốt cuộc, làm sao bạn có thể dâng cúng ai đó đồ ăn nếu bạn không biết họ là ai?

Khi thực hành Sur, chúng ta dâng các cúng phẩm đến bốn kiểu khách mời. Kiểu đầu tiên, chư vị được gọi là “những vị khách được thỉnh mời vì lòng kính trọng – Tam Bảo,” không trụ trong tam giới của luân hồi bởi chư vị đã đạt được an bình của Niết Bàn. Các giáo lý Kinh điển miêu tả chư vị là chư Phật và Bồ Tát trong khi các giáo lý Mật điển miêu tả là chư Tam Căn Bản – đạo sư, Bổn tôn và Không Hành Nữ.

Khi chúng ta nói về ‘chư Phật,’ một bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni thường xuất hiện trong tâm, nhưng đấy không phải là ý nghĩa. Khi thực hành Sur, chúng ta không chỉ thỉnh mời một vị Phật, mà chư Phật từ tất cả hàng tỷ vũ trụ – chư Phật nhiều hơn số hạt cát của Sông Hằng. (Một số nói rằng thậm chí còn hơn nữa! Họ nói rằng số cát của Sông Hằng nhân lên một trăm lần trong khi số khác nhân lên một nghìn và cũng có những vị nhân lên cả trăm nghìn lần!) Về cơ bản, chúng ta thỉnh mời tất cả Phật. ‘Chư Bồ Tát” nghĩa là tất cả các vị Bồ Tát, chẳng hạn tám Đại Bồ Tát và những vị khác. Vì thế, chúng ta thỉnh mời tất cả Bồ Tát từ vũ trụ này và từ tất cả các vụ trụ khác.

Đạo sư, Bổn tôn và Không Hành Nữ lại là một kiểu vô cùng bao la khác nữa – chẳng phải các giáo lý nói với chúng ta rằng mọi thứ xuất hiện và tồn tại là sự hiển bày của đạo sư? Điều tương tự cũng đúng với chư Bổn tôn: có những Bổn tôn (Yidam) an bình, phẫn nộ và một số không an bình cũng không phẫn nộ. Số lượng Không Hành Nữ cũng chẳng thể nghĩ bàn: người ta nói rằng trong mỗi lỗ chân lông trên da của con người, có hàng trăm nghìn thành trì Không Hành Nữ. Vì thế, chúng ta phải quán tưởng số lượng khách mời bao la chẳng thể nghĩ bàn, những vị mà chúng ta thỉnh mời bởi chúng ta kính trọng chư vị.

Kiểu khách mời thứ hai là “những vị khách được thỉnh mời vì phẩm tính – chư vị bảo vệ,” điều bao gồm tất cả chư Hộ Pháp nam, nữ và trung tính. Các chúng sinh sống cùng thời với Đức Phật, lấy ví dụ, những vị trực tiếp diện kiến Ngài và trước sự chứng minh của Ngài, đã phát nguyện bảo vệ những vị thiện lành và hoạt động của chư vị. Kiểu khách mời đầu tiên và thứ hai được biết đến là hai vị thọ nhận cúng dường ‘cao hơn’.

Kiểu thứ ba là “những vị khách của sáu loài được thỉnh mời vì lòng bi mẫn,” nghĩa là hữu tình chúng sinh của sáu cõi – chúng sinh địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, con người, A-tu-la và chư thiên. Chúng ta cảm thấy bi mẫn với sáu loài chúng sinh bởi họ bị trói buộc bởi nhận thức mê lầm về cách thức mọi thứ xuất hiện và chịu khổ đau như là kết quả của cảm xúc tiêu cực và nghiệp của họ. Đây là những vị khách mà chúng ta thỉnh mời vì cảm thấy bi mẫn với họ. Những người mà chúng ta yêu mến nhất trong đời này – cha mẹ, con cái, gia đình và bạn bè – đặc biệt quan trọng với chúng ta, trong khi những vị khách được mời vì lòng bi mẫn bao gồm tất cả hữu tình chúng sinh, những vị lang thang khắp tam giới từ vô thủy. Họ không lang thang chỉ trong một trăm, một nghìn hay thậm chí một triệu đời, mà hàng tỷ tỷ đời. Đôi lúc, họ là những thành viên trong gia đình chúng ta hay kẻ thù ghê gớm nhất của chúng ta, hoặc hoàn toàn xa lạ với chúng ta, nhưng nhờ quá trình này, chúng ta đã tạo một kết nối với mỗi một người trong số họ.

Kiểu khách mời thứ tư là những vị mà chúng ta có nợ nghiệp. Các ảnh hưởng tiêu cực này (dön) và lực gây chướng (gek) có thể là những ma quỷ ác độc (shindré), ma quỷ xuất hiện thành con người (söndré), quỷ Damsi, Gyalgong, Phodong, Modong và những vị khác. Đây là mọi kiểu lực gây chướng mà chúng ta mang món nợ nghiệp và những vị tức giận với chúng ta. Tại sao họ lại tức giận chúng ta? Có lẽ, lấy ví dụ, một vụ án mạng xảy ra trong một đời trước. Những món nợ nghiệp và liên hệ báo thù mà chúng ta có với họ là lý do họ mải mê gây ra các tình cảnh gây hại với chúng ta trong đời này.

Đây là bốn kiểu những vị thọ nhận cúng dường Sur của chúng ta.

2. Thiền Định Vị Tôn

Khi cúng dường Sur, chúng ta thực hành du già Bổn tôn. Vị Tôn mà chúng ta chọn để thực hành là hóa hiện đích thực của lòng bi, Thánh Quán Thế Âm, vị xuất hiện trong nhiều hình tướng khác nhau. Khi cúng dường Sur, bạn có thể quán tưởng bản thân là Quan Âm Tứ Thủ hay trong hình tướng mà người Tây Tạng gọi là Semnyi Ngalso – ‘an trú trong bản tính tâm’.

Hãy quán tưởng rõ ràng thân bạn là vị Tôn. Thân của vị Tôn được tạo thành từ ánh sáng và hoàn hảo ngay khi bạn nghĩ về, nhưng lại rỗng rang. Điều quan trọng nhất cần làm khi bạn quán tưởng bản thân là vị Tôn là thiền định về lòng bi mẫn bằng cách hoàn toàn tập trung tâm bạn vào lòng bi mẫn dành cho mọi hữu tình chúng sinh. Đó là cách mà bạn thiền định bản thân là Quán Thế Âm.

Trước khi bạn có thể dâng cúng dường Sur, đầu tiên bạn phải nhóm lửa. Các chỉ dẫn nói rằng, nếu có thể, chúng ta cần nhóm lửa bằng phân, thứ được xem là nhiên liệu tốt nhất – thậm chí còn tốt hơn củi. Nhưng ngọn lửa không nên lớn như trong lễ (Puja) cúng lửa. Bản tính của lửa là Pandaravasini, vị Phật mẫu của Liên Hoa Bộ và ngọn lửa thiêu rụi những bất tịnh của cúng phẩm, chuyển hóa chúng thành cam lồ, ‘phương thuốc cho ma vương’, thanh tịnh về bản chất. Đây là thứ mà chúng ta cúng dường đến bốn kiểu khách mời.

Các cúng phẩm Sur bao gồm nhiều loại thức ăn và đồ uống khác nhau và chúng đều phải được trút vào lửa. Bởi Sur là cúng dường các mùi hương, không cần thiết phải cúng dường một số lượng lớn; cúng dường một lượng nhỏ là đủ. Dẫu vậy, cũng có một số Lama nói rằng thật tốt nếu dâng cúng dường lớn lao.

Khi các cúng phẩm được đổ vào lửa, khói xuất hiện. Hãy quán tưởng OM AH HUNG xuất hiện trong khói và thiền định về ba chủng tự này. OM, AH và HUNG tạo ra khói chứa đựng số lượng các món diệu dục không thể vơi cạn về cả năm kiểu – hình tướng mê hồn, âm nhạc lôi cuốn, vị tinh tế, hương thơm và kết cấu thỏa mãn. Sự cúng dường này bao gồm toàn bộ mọi thứ đáng khao khát và vì thế, chúng ta có thể dâng lên cho những vị khách của chúng ta mọi thứ mà họ thích và mong mỏi. Lửa mà chúng nhóm cần phải nhỏ, nhưng khói mà nó tạo ra tạo thành các cúng phẩm không thể vơi cạn, bao la đến mức chúng tràn ngập toàn bộ vũ trụ. Trong nghi lễ này, các cúng phẩm Sur bị lửa thiêu rụi trong khoảng thời gian tính bằng phút, nhưng bởi chúng được gia trì bằng thiền định của chúng ta, những đám mây cúng phẩm, giống như cúng phẩm của Đức Phổ Hiền, sẽ tiếp tục bao trùm khắp hư không cho đến khi luân hồi trống rỗng.

 

Các cúng phẩm Sur mà chúng ta dâng lên làm hài lòng những vị khách mà chúng ta thỉnh mời vì lòng kính trọng – Tam Bảo. Kết quả là, nhờ sức mạnh của lòng bi mẫn và sự gia trì của chư vị, tất cả hữu tình chúng sinh trong tam giới của luân hồi có thể được đưa đến trạng thái giác ngộ viên mãn.

Sự cúng dường dâng lên những vị khách được thỉnh mời vì phẩm tính – chư vị bảo vệ – hoàn thành mong ước của chư vị và sửa chữa thệ nguyện của chúng ta. Sau đấy, chư vị hoàn thành bốn hoạt động giác ngộ: tức tai, tăng ích, kính ái và điều phục.

Cúng dường mà chúng ta dâng lên khách mời trong sáu cõi luân hồi, những vị mà chúng ta thỉnh mời vì lòng bi mẫn, đền đáp mọi món nợ của chúng ta. Cúng dường này cũng đặc biệt mạnh mẽ trong việc giúp những chúng sinh này hoàn thiện các tích lũy và tiêu trừ che chướng để cuối cùng, họ đạt đến cõi Phật Cực Lạc. Điều đặc biệt quan trọng là trao các cúng phẩm Sur cho chúng sinh Bardo, những vị ở giữa chết và sự tái sinh tiếp theo, bởi nó sẽ xoa dịu những ảo ảnh như mộng bất tận, thứ khiến họ đau đớn. Chúng sinh Bardo chịu đau khổ chủ yếu bởi đói, khát và lạnh. Ban đầu, những cúng phẩm Sur dẫn dắt chúng sinh Bardo đến việc sinh ra trong các cõi cao hơn và rốt ráo, đến giác ngộ.

Khi chúng ta dâng các cúng phẩm Sur đến kiểu khách mời thứ tư, mọi món nợ nghiệp mà chúng ta nợ họ được tịnh hóa. Những vị khách này đều nằm trong kiểu các lực gây chướng; họ mê lầm và họ không bi mẫn. Bồ đề tâm chẳng bao giờ xuất hiện trong tâm họ; họ chỉ nghĩ về bản thân và đây là cách mà họ trở nên mê lầm. Chúng ta trao cho họ những món diệu dục và mọi thứ họ muốn, bởi sức mạnh từ việc họ thọ dụng cúng phẩm được gia trì bằng vị Tôn, Chân ngôn, định, sẽ khơi dậy Bồ đề tâm trong tâm họ. Sức mạnh của Bồ đề tâm nghiền nát ham muốn gây hại của họ và phá tan sân hận, kiêu ngạo và trạng thái tâm giày vò của họ. Khi tâm họ đã phát khởi Bồ đề tâm, họ sẽ ở trong tiến trình đến giác ngộ viên mãn.

Đây là cách mà chúng ta dâng các cúng phẩm lên bốn kiểu khách mời.

Khi dâng các cúng phẩm, chúng ta phải nương tựa sức mạnh của vị Tôn, Chân ngôn, thủ ấn và định và bởi là Phật tử, chúng ta trước tiên cần quy y và thiền định về hai kiểu Bồ đề tâm – chúng ta không thể thực hành Đại thừa nếu không có chúng. Sau đấy, chúng ta rèn luyện trong tứ vô lượng tâm và thiền định về vị Tôn, Thánh Quán Thế Âm, như tôi vừa giải thích. Khi thiền định về vị Tôn và trì tụng Chân ngôn của Quán Thế Âm, OM MANI PADME HUNG, chúng ta liên tục nhớ về lòng bi mẫn. Đó là cách mà chúng ta thiền định về vị Tôn.

Như tôi đã đề cập, lửa mà chúng ta nhóm lúc bắt đầu nghi lễ Sur là Pandaravasini và chúng ta thêm nhiều chất cúng dường, đồ ăn và thức uống mà chúng ta muốn vào đó.

3. Chân Ngôn Và Thủ Ấn

Nếu bạn muốn tiến hành một thực hành Sur, bạn sẽ cần tụng sáu Chân ngôn khi dâng các cúng phẩm. Bạn cũng có thể thực hành ít tỉ mỉ hơn như tôi sẽ nói sau đó. Tôi không có nhiều thời gian để đi vào chi tiết từng Chân ngôn; vì thế, tôi sẽ giải thích chúng rất ngắn gọn[2].

Chân ngôn đầu tiên được biết đến là ‘Chân ngôn Sobhava’ và tịnh hóa tất cả vào Không:

OM SOBHAWA SHUDDHA SARWA DHARMA SOBHAWA SHUDDHO HANG

Để bắt ấn đi kèm với Chân ngôn này, bạn chắp tay lại như trong lúc cầu nguyện, nhưng để một không gian trống giữa hai bàn tay để chỉ đầu ngón tay chạm vào nhau.

Thứ hai là ‘Chân ngôn kho tàng bầu trời’ hay ‘Hư Không Tạng’:

NAMA SARWA TATHAGATA BYO BISHA MUGEBE SARWA THAGAM UTGATE SAPARANA IMAM GAGANA KHAM GRIHANA DAM BALINGDE SOHA

Khi bạn tụng Chân ngôn này, số lượng các món diệu dục không thể vơi cạn khởi lên từ Không, tràn khắp vũ trụ và tồn tại chừng nào hư không còn. Thủ ấn, được biết đến là ‘Ấn Hư Không Tạng,’ được tạo thành bằng cách giữ cả hai ngón tay cái bên trong đôi tay chắp lại và xoay chúng phía trước trán bạn. Bạn chắc hẳn đã thấy ấn này nhiều này.

Thứ ba là Chân ngôn ‘Cam Lồ Quân Trà Lợi,’ điều gia trì cho cúng phẩm, chuyển hóa nó thành cam lồ, phương thuốc cho các ma vương:

OM VAJRA AMRITA KUNDALI HANA HANA HUNG PHAT

Thủ ấn được tạo thành bằng giữ hai tay của bạn hướng ra ngoài với ngón tay cái chạm vào nhau phía trước mặt bạn.

Chân ngôn thứ tư là:

NAMAH SARVA TATHAGATA AVALOKITE | OM SAMBHARA SAMBHARA HUNG

‘Ấn Thắng Thí’ được tạo thành bằng cách giơ tay trái lên, lòng bàn tay hướng ra ngoài và ngón cái chạm vào ngón trỏ trong khi vẩy nhẹ cổ tay phải để tay bạn di chuyển từ phía gần thân bạn hướng ra ngoài rồi búng tay. Sức mạnh của sự kết hợp thủ ấn và Chân ngôn này giúp chuyển hóa các cúng phẩm thành mọi thứ mà mỗi vị khách cần.

Chân ngôn thứ năm được biết đến là Chân ngôn ‘Om Jnana Avalokita’:

OM JÑANA AVALOKITE | NAMAH SAMANTA SPHARANA RASMI SAMBHAVA SAMAYA | MAHA MANI DURU DURU HRIDAYA JVALANI HUNG

Ấn này được tạo thành bằng cách giữ tay phải phía trước bạn khi bạn vung nhẹ tay trái, lòng bàn tay hướng lên trên. Sức mạnh của Chân ngôn và thủ ấn này đảm bảo rằng mỗi vị khách đều thọ nhận điều mà họ cần không chút sai sót trong sự phân phát và rằng cúng phẩm mà họ nhận được là không thể vơi cạn.

Chân ngôn thứ sáu là Chân ngôn được biết đến là ‘đạt sức mạnh viên mãn’:

NAMAH SAMANTA BUDDHANAN GRAHESHVARI PRABHAJÑATI MAHA SAMAYA SOHA

Ấn đi kèm được biết đến là ‘Ấn Sức Mạnh’. Hãy đan các ngón của tay phải với các ngón của tay trái và đưa tay bạn lên ngang với trán, xoay chúng trong một vòng nhỏ. Sức mạnh của thủ ấn và Chân ngôn này ngăn các vị khách khỏi lo lắng việc liệu những vị khách khác có nhận được cúng phẩm tốt hơn hay lớn hơn họ nhận được hay không. Thay vào đó, họ đơn giản nhận được các cúng phẩm mà không có bất kỳ so sánh nào.

Bạn phải tiến hành sáu Chân ngôn và thủ ấn này nếu bạn quyết định thực hành một cách tỉ mỉ.

Nếu bạn không muốn thực hành khá tỉ mỉ như vậy, hãy sử dụng ba bộ Chân ngôn và thủ ấn sau đây. Đầu tiên, hãy tụng Chân ngôn Sobhava để tịnh hóa các cúng dường vào trạng thái Không, sau đấy, Chân ngôn và thủ ấn Hư Không Tạng để nhân các cúng phẩm – bạn cần rất nhiều bởi nếu bạn không có đủ, bạn sẽ chẳng thể dâng cúng dường lên tất cả các vị khách, phải vậy không? Và cuối cùng, bạn tụng Chân ngôn thắng thí cùng với thủ ấn, để dâng cúng dường thực sự. Mức độ tỉ mỉ này là ổn rồi.

Để thực hành một cách đơn giản, bạn chỉ cần tụng OM AH HUNG, khi bạn cuộn tròn ngón cái và ngón trỏ của cả hai tay[3], để gia trì các cúng dường và sau đó tụng Chân ngôn Sambhara cùng với thủ ấn:

NAMA SARWA TAHAGATA AVALOKITA OM SAMBHARA SAMBHARA HUNG

Để thực hành đơn giản, bạn chỉ cần tụng hai Chân ngôn này khi dâng các cúng dường.

Sức mạnh của vị Tôn, thủ ấn và Chân ngôn cho phép chúng ta dâng các cúng phẩm như vừa miêu tả. Làm sao điều này có thể? Chư Phật đã tích lũy kho công đức chẳng thể nghĩ bàn. Sự gia trì từ vô lượng công đức của chư Phật khiến có thể, nhờ sức mạnh của vị Tôn, thủ ấn và Chân ngôn, dâng các cúng phẩm vô lượng và không vơi cạn mà chúng ta vừa nói đến. Điều đấy cũng nhờ sức mạnh các lời nguyện của chư Bồ Tát, điều thật lớn lao. Vì thế, bởi mọi hiện tượng phụ thuộc lẫn nhau, các cúng phẩm khởi lên nhờ sự gia trì từ công đức của chư Phật và sức mạnh lời nguyện của chư Bồ Tát. Điều này hoàn mãn sự giải thích về các Chân ngôn và thủ ấn.

4. Định

Tôi đã giải thích về định khi nói về thiền định vị Tôn, thủ ấn và Chân ngôn.

5. Triệu thỉnh Bốn Như Lai

Có vô số chư Phật. Theo Bậc Thầy của chúng ta – Phật Thích Ca Mâu Ni, sự gia trì, lời nguyện và lòng bi mẫn của bốn vị Phật này đặc biệt kết nối với thực hành cúng dường. Vì thế, chúng ta tụng danh hiệu của bốn vị Phật này. Tụng danh hiệu của chư vị thì giống như cầu nguyện đến chư vị; kết quả của điều này là chư vị gia trì cho chúng ta. Bốn vị Phật là Như Lai Jina Ratna-bahulya, Jina Sarūpottama, Jina Rūpa-paryānta, Jina Sarkāya-vimuktasena [tức Như Lai Đa Bảo, Diệu Sắc Thân, Quảng Bác Thân và Ly Bố Úy].

6. Hoàn Mãn Thực Hành

Sau khi hoàn thành các cúng dường Sur, đừng bám chấp vào bản thân (vị đã dâng cúng dường), các vị thọ nhận – bốn kiểu khách mời, chẳng hạn những ảnh hưởng tiêu cực, lực gây chướng, tinh linh căn bản và v.v. – những món cúng dường và vật phẩm, mà hãy an trú trong trạng thái thoát khỏi điểm tham chiếu. Khi những ý nghĩ thô lậu khởi lên và bạn nhớ về các vị khách bạn đã thỉnh mời, đặc biệt là những vị mà bạn có món nợ nghiệp, bạn có thể nghĩ rằng bạn không thể chỉ an trú trong trạng thái thoát khỏi điểm tham chiếu và rằng bạn cần gửi họ trở về nơi mà họ đến từ. Vào khoảnh khắc ấy, hãy nghĩ rằng Tam Bảo được mời đến vì lòng kính trọng rời đi như chư Tôn trí tuệ, chư vị bảo vệ được mời vì các phẩm tính trở về nơi của mình và các vị khách của sáu cõi trở về nhà. Để tiễn những vị khách mà bạn mang món nợ nghiệp trở về nhà, hãy tụng Chân ngôn OM SARVA BIGHANEN GATSA và búng tay, nghĩ rằng bây giờ họ đều trở về nhà, không gây ra bất kỳ rắc rối nào.

7. Cúng Dường Sur Rốt Ráo

Cho đến nay, chúng ta đã dâng các cúng dường ở cấp độ tương đối, nhưng một số thực hành Sur bao gồm cúng dường rốt ráo. Để thực hành cúng dường rốt ráo, chúng ta tụng:

‘Không làm điều ác,

Làm các điều lành,

Điều phục tâm mình –

Là giáo lý Phật’.

Hoặc chúng ta có thể tụng bằng Phạn ngữ:

OM YÉ DHARMA HETU PRABHAVA HETUN TESHAN TATAGATO HYAVADAT TESHAN TSA YO NIRODHA EVAM VADI MAHA SHRAMANA SOHA

Bây giờ, hãy hồi hướng công đức của sự hành trì và phát các nguyện lành – bạn có thể tụng những lời cầu nguyện thông thường.

Patrul Rinpoche đã viết về những lợi lạc của việc tiến hành thực hành Sur một cách chi tiết và Đức Phật đã giảng dạy mở rộng về nó.

II. Sur Đỏ

Tôi vừa giải thích thực hành Sur Trắng, nhưng cũng có thực hành Sur Đỏ. Về Sur Đỏ, chúng ta nhóm lửa và đốt thịt, máu, ngũ cốc và thuốc. Cúng dường đỏ này chỉ được dâng lên những vị khách mà chúng ta có món nợ nghiệp – vị Tôn, Chân ngôn và thủ ấn giống như trong Sur Trắng.

Mipham Rinpoche[4] đã soạn một thực hành với tựa đề Cúng Dường Sur Đến Các Ảnh Hưởng Gây Hại, Kẻ Gây Chướng Và Tinh Linh Căn Bản; trong đó, bạn đốt mọi thứ – thức ăn, đồ uống, y phục và mọi cúng phẩm khác của bạn – và trao tất cả cho những chủ nợ nghiệp, lực gây hại, kẻ gây chướng và tinh linh căn bản.

Tóm lại, bất kể bạn tiến hành thực hành nào, nếu bạn không quên Bồ đề tâm, thực hành của bạn sẽ lợi lạc. Không có Bồ đề tâm, bất kể bạn tiến hành bao nhiêu thực hành, mọi nỗ lực của bạn sẽ vô nghĩa. Nhưng nhóm lửa và cúng dường đồ ăn bằng cách để nó trong lửa khi thiền định về lòng bi mẫn, các nỗ lực của bạn sẽ lợi lạc.

 

Nguồn Anh ngữ: http://all-otr.org/vajrayana/60-sur-offering-basic-principles.

Gyurme Avertin chuyển dịch Tạng-Anh.

Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.

Viết bình luận

Bình luận

Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.

Bài viết liên quan:

PHÁP TU TÂY TẠNG DÀNH CHO PHẬT TỬ NHẬP MÔN - Đức Đalai Lama giảng

Phụ Lục 2: Chánh Văn – Tám Thi Kệ Chuyển Tâm Geshe Langri Thangpa (thế kỷ thứ 12) Bản tiếng Việt 1.      Với quyết tâm thành tựu Lợi lạc lớn lao nhất Nhờ tất cả chúng sinh, Tôi nguyện luôn giữ gìn Chúng sinh trong đáy tim, Vì chúng sinh quí hơn Cả bảo châu như ý. 2.      Khi gặp gỡ tiếp xúc Với bất kỳ một ai, Nguyện tôi luôn thấy mình Là kẻ thấp kém nhất, Từ đáy lòng chân thật Luôn tôn kính mọi người Như kính bậc tối cao. 3.      Nguyện trong từng hành động Tôi luôn tự xét mình, Phiền não vừa dấy lên, Ðe dọa mình và người, Nguyện tức thì nhận...

PHÁP TU TÂY TẠNG DÀNH CHO PHẬT TỬ NHẬP MÔN - Đức Đalai Lama giảng

Nguyện qui y Phật,
là bậc toàn giác / là đại đạo sư
giáo hóa chúng sinh / bằng với chánh pháp
trong sáng chân thật / đến từ trí tuệ
chứng ngộ viên mãn.

 

PHÁP TU TÂY TẠNG DÀNH CHO PHẬT TỬ NHẬP MÔN - Đức Đalai Lama giảng

OM WAGI SHVARI MUM là minh chú của Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, rất tốt cho sinh viên học sinh. Tụng chú này tăng trí thông minh, giúp đầu óc bén nhạy. Nhiều lúc chúng tôi tụng DHIH DHIH DHIH DHIH một trăm lẻ tám lần liên tục hay nhiều hơn, trong cùng một hơi thở. Lấy một hơi thật dài, rồi tụng một mạch DHIH DHIH DHIH DHIH… làm như vậy trí nhớ sẽ gia tăng.

PHÁP TU TÂY TẠNG DÀNH CHO PHẬT TỬ NHẬP MÔN - Đức Đalai Lama giảng

Ai cũng biết rằng khi chết, tiền tài danh vọng hay quyền lợi trong đời tất cả đều không thể giúp được gì. Ðời sống tự nó là một hiện tượng biến chuyển liên tục. Nếu chỉ quan tâm đến đời sống hiện tại mà quên đi mọi kiếp về sau, làm như vậy dễ sinh tâm mê đắm hưởng thụ kiếp này, càng lúc càng nhiều chấp vọng, càng thêm tham đắm. 

PHÁP TU TÂY TẠNG DÀNH CHO PHẬT TỬ NHẬP MÔN - Đức Đalai Lama giảng

Mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống, có một phương pháp đối phó rất đơn giản là quên đi tất cả. Bao giờ tinh thần mỏi mệt, tâm trí nặng nề, ta có thể vất hết sau lưng, đi nghỉ mát vài ngày, một tuần. Nhưng phương pháp này dù sao vẫn rất tạm bợ. Vấn đề còn nguyên chưa được giải quyết.

PHÁP TU TÂY TẠNG DÀNH CHO PHẬT TỬ NHẬP MÔN - Đức Đalai Lama giảng

Tây Tạng có một câu chuyện như sau: một hôm trời đổ mưa lớn, bên đường có pho tượng Phật đẫm nước mưa. Có người đi ngang thấy vậy nghĩ rằng: “Không thể để Phật ướt”. Anh ta nhìn quanh, thấy có đôi giày cũ vất bên đường, bèn nhặt để lên đầu tượng Phật để che mưa. Một người khác đi ngang, thấy vậy nghĩ rằng: “Ai lại để giày trên đầu tượng Phật?” Anh ta bèn lượm giày vất đi. Cả hai đều có tâm tốt lành đối với tượng Phật, vì vậy hành động tuy trái ngược nhưng đều gieo thiện nghiệp như nhau.

PHÁP TU TÂY TẠNG DÀNH CHO PHẬT TỬ NHẬP MÔN - Đức Đalai Lama giảng

Trong tất cả những công phu hành trì Phật giáo, phát tâm bồ đề được xem là công phu quan trọng quí giá nhất. Tâm bồ đề bắt rễ từ đại bi. Không có chúng sinh thì không thể khởi tâm đại bi. Phật đà và Bồ tát có thể hộ trì cho ta phát tâm bồ đề, nhưng không thể giúp chúng ta phát tâm đại bi. Ðại bi chỉ có thể có được nhờ hướng về chúng sinh.

PHÁP TU TÂY TẠNG DÀNH CHO PHẬT TỬ NHẬP MÔN - Đức Đalai Lama giảng

Khế kinh dạy nhân nào sinh quả nấy. Tất cả mọi kinh nghiệm chúng ta đang trải qua đều là quả, sinh ra từ nhân là hành động của chính mình trong quá khứ. Ngoài ra không có Đấng Sáng Tạo nào khác, cũng không có Đấng Tối Cao nào hiện hữu trường tồn, vượt ngoài nhân quả.

Phật dạy có hai loại nhân quả. Một là nhân quả tương ứng với quá trình ô nhiễm, ví dụ nhân ác độc sinh quả khổ đau. Hai là nhân quả tương ứng với quá trình thanh tịnh, ví dụ nhân tốt lành sinh quả an lạc.

Pháp Khí Mật Tông - Bảo Liên. Cung cấp bởi Sapo.
Lên đầu trang
Pháp Khí Mật Tông Pháp Khí Mật Tông Pháp Khí Mật Tông
Trang chủ Danh mục Liên hệ Tài khoản Giỏ hàng