Ốc thiêng pháp loa trong Phật giáo
Trong Phật giáo, vỏ ốc xà cừ được hợp nhất thành một trong tám biểu tượng cát tường, còn được gọi là Ashtamangala/Bát bửu. Ốc xà cừ trắng được thể hiện thẳng đứng thường với một dây lụa len qua ở phần dưới. Ốc xà cừ xoắn về bên phải được biểu thị với chiếc miệng cong và rỗng quay về bên phải, được thể hiện nằm ngang để chứa nước thơm hay dầu thơm. Ngoài ra, như một trì vật cầm tay, ốc xà cừ thường được nắm giữ trong bàn tay của các vị thần.24
1. Vỏ ốc xà cừ từ xưa đã là một loại nhạc khí trong các nghi thức của Phật giáo, còn gọi là Pháp loa/Bảo loa (Phạn: Dharma-Sanhha; Hán âm: Thương-khư; Hán dịch: Kha, Bối, Lãi bối). Vì vỏ ốc xà cừ to mà dày cứng, khi thổi âm thanh vang đi xa kéo dài, có sức xuyên thấu rất mạnh, hùng dũng, cho nên dùng pháp loa để dụ cho giáo pháp của Đức Phật.25
Kinh Phật có chép rằng: Khi Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp, âm thanh chấn động bốn phương, như âm thanh của ốc biển, gọi là “diệu âm cát tường”. Vỏ ốc biển trắng xoắn về bên phải (dung gyas 'khyil), biểu thị âm thanh thanh tao, sâu, du dương, thâm nhập và lan tràn của Phật giáo, đánh thức các môn đệ từ giấc ngủ sâu của sự vô minh và thúc giục họ đạt tới phúc lạc cho chính mình và cho những người khác. Tương truyền có thể trước khi Phật Tổ đăng đàn, dùng để thông báo với các đệ tử, khiến họ trở về đúng vị trí của mình, im lặng lắng nghe thuyết pháp. Vì thế mà trong Phật giáo thời kỳ đầu, ốc biển được xem là vật tượng trưng để tuyên giảng giáo nghĩa Phật giáo, tượng trưng cho Phật-đà hướng đến mười phương hoằng truyền Phật pháp không chút sợ hãi, đe dọa tất cả tà ma tinh quái, đồng thời tượng trưng cho Tam giới thù thắng, đem sự thắng lợi và niềm hân hoan để khẳng định sự thống trị của Phật pháp.26
Thiên thủ kinh nói: “Nếu muốn kêu gọi tất cả các chư thiên thiện thần thì dùng tay bảo loa”. Phẩm Thế gian thành tựu trong Bất không quyến sách kinh cũng chép: “Chúng sinh nếu nghe được âm thanh của bảo loa thì có thể giảm được tội nặng hoặc vãng sinh về cõi Tây phương Cực lạc”.
Trong Tự phẩm quyển 1 của Pháp hoa kinh có nói: “Nay Phật Thế Tôn, muốn nói đại pháp, rời đại pháp vũ, thổi đại pháp loa, đánh đại pháp cổ, diễn đại pháp nghĩa”.
Dùng làm pháp khí cầm tay, ốc biển thường được cầm trong tay các vị thần linh. Trôn ốc của ốc biển tự nhiên thường xoáy về bên trái. Ốc biển trắng xoáy phải (chakravatna) do rất hiếm thấy nên được xem là vật cát tường trong các nghi thức Phật giáo. Pháp loa còn là một pháp khí quan trọng của phái Tu Nghiệm Đạo ở Nhật Bản. Lúc tu hành trong núi, thổi pháp loa để tránh thú dữ đuổi theo.27 Trong Mật giáo, pháp loa là vật cầm tay của Thiên Thủ Quan Âm. Ở Tây Tạng và Nepal, nhiều vỏ sò/ốc được trang trí bằng các hoa văn kim khí và cẩn bảo ngọc.
Các chư tôn có mối liên hệ với loài ốc này là Vô Lượng Âm Thanh Phật Đỉnh, dùng pháp loa làm trì vật lại dùng pháp loa làm hình Tam muội da. Hình thân của vị Tôn giả này có sắc vàng, tay trái cầm hoa sen, trên có loa bối. Như Lai Thương Bồ-tát, cũng gọi là Như Lai Pháp Loa Bồ-tát thường xuất hiện trong hình tướng tay trái cầm hoa sen, trên có loa bối.28
Câu chuyện cuộc đời Phật Di Lặc - tranh vẽ trên vải theo nghệ thuật thangka, đời Thanh, lưu giữ ở Tây Tạng: Bức thangka này mô tả câu chuyện cuộc đời Đức Phật Di Lặc. Ở đây Phật Di Lặc với sắc thân màu trắng, hai tay kết ấn thuyết pháp, mỗi tay cầm một bông hoa sen, trên hoa sen bên phải có một con ốc biển màu trắng, bên trái là bảo bình, xung quanh vẽ quá trình giáng sinh, trưởng thành, tu Phật, chứng ngộ, thuyết pháp. Trong Phật giáo Tạng truyền, ốc biển xoáy phải được xem là vật cát tường, tượng trưng cho Phật pháp truyền bá đến mười phương.
Ốc biển cát tường biểu trưng cho “Phật ngữ”. Hướng đặt: đặt vuông góc, làm vật cầm tay, biểu thị dùng tâm của Phật pháp hàng phục ngoại đạo. Miệng ốc hướng lên trên, là vật chứa hương cúng, bên trong đựng hương liệu thể lỏng.29
2. Ngoài ra, để nói đến tóc trên đầu xoắn lại xoay về phía hữu giống như trôn ốc, là 1 trong 32 tướng tốt, 1 trong 80 vẻ đẹp của Đức Phật, người ta gọi là Loa phát, còn gọi là Phát lễ, Lễ phát. Do đó, tượng Đức Thích Tôn đời sau phần nhiều được tạo theo hình dạng này. Trong các tượng Phật hiện tồn ở Ấn Độ, đặc biệt ở Trung Ấn, đa phần tượng Phật đều có tóc hình tựa trôn ốc; ngoại trừ di vật còn lại của nước Kiện Đà La phía Bắc Ấn Độ cho thấy tóc được thể hiện ở thể dạng lượn sóng. Những tượng Phật Thích Ca và Phật Di Đà của Tông Hiển giáo và Mật giáo ở Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản… thông thường là hình tóc xoắn. Phật A Súc (Bảo Tràng), Phật Bảo Sanh (Khai Phu Hoa) cũng có tóc dạng xoắn này.
Bên cạnh đó, tiền thân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng được cho là Loa kế tiên nhân. Theo luận Đại trí độ 17, thuở xưa, Đức Thích Ca là vị tiên nhân có tên Thượng Xà Lê. Vì có búi tóc hình xoắn ốc trên đỉnh đầu nên được gọi là Loa Kế tiên nhân. Vị tiên này thường hành đệ tứ thiền, hơi thở ra vào đã ngừng, ngồi dưới cội cây sừng sững bất động. Chim nhìn thấy cho là khúc gỗ, liền làm tổ, đẻ trứng trong búi tóc. Về sau, vị tiên này xuất định muốn bước đi, nhưng biết trên đỉnh đầu mình có một ổ trứng chim đang ấp liền tự suy nghĩ: “Nếu ta đứng dậy đi làm động, chim mẹ sẽ bay mất, trứng sẽ bị ung thối”. Nghĩ xong ông liền nhập định trở lại, đợi đến khi trứng nở chim con bay đi ông mới xuất định.
Hay vị Phạm Thiên Vương có búi tóc hình xoắn ốc trên đỉnh đầu cũng được gọi là Loa Kế Phạm vương hay Loa Kế Phạm. Vị này đã từng cùng Tôn giả Xá Lợi Phất vấn đáp tại hội Duy Ma. Kinh Tâm giới quán pháp, thượng (Đại 45, 823 thượng) ghi: “Đức như Loa Kế Phạm Vương có năng lực thấy Tây phương”.30
Những lọn tóc xoắn cuộn trên đầu của Phật xoắn về bên phải tương tự như xoắn ốc xoay phải của loại ốc này phản ánh chuyển động của các hành tinh. Ngoài ra, lọn tóc trắng dài cuộn xoắn giữa lông mày của Đức Phật và vòng xoắn của rốn Ngài cũng được so sánh giống như loại ốc xà cừ shankha này.31
3. Ở Nhật Bản, loại kèn vỏ ốc xà cừ lớn được gọi là Horagai (hay Jinkai), lần đầu tiên được đề cập vào thời Heian (794-1185 TL), sau đó cùng với sự lan truyền của Phật giáo phổ biến khắp châu Á.32
Kèn vỏ ốc horagai hay gọi tắt là hora của Nhật Bản có thể tạo ra ba hoặc năm nốt nhạc có cao độ khác nhau là do sử dụng một miệng kèn bằng đồng hoặc gỗ được gắn vào đỉnh chóp nhọn của vỏ ốc. Khi có băng giá (thường gặp ở các vùng núi của Nhật Bản), môi có thể bị đóng băng trên bề mặt kim loại, do đó, các miệng kèn bằng gỗ hoặc tre được dùng thay thế.
Vỏ ốc xà cừ được sử dụng bởi các Tăng sĩ Phật giáo cho mục đích tín ngưỡng. Việc sử dụng vỏ ốc xà cừ đã có từ ít nhất một ngàn năm về trước, và ngày nay vẫn được sử dụng cho một số lễ nghi như omizutori (vẽ nước), một phần thuộc nghi lễ Shuni-e tại chùa Đông Đại (Tōdai-ji) ở Nara. Mỗi phái Shugendō đều có các giai điệu thổi từ vỏ ốc xà cừ của riêng mình. Hora đặc biệt liên quan đến Yamabushi, chiến binh tu sĩ khổ hạnh thuộc truyền thống Shugendō. Yamabushi đã sử dụng kèn vỏ ốc để báo hiệu sự hiện diện (hoặc di chuyển) của họ với nhau qua các ngọn núi và đi cùng việc tụng đọc kinh tạng. Bên cạnh đó, các Tăng sĩ Phật giáo Chân Ngôn cũng thực hành một nghi thức homa, đôi khi bao gồm đánh trống và thổi horagai.33
Ngoài ra, vỏ ốc với tên gọi là jinkai/“vỏ ốc chiến tranh”, là một công cụ truyền phát tín hiệu được sử dụng bởi các chiến binh samurai trong chiến tranh thời phong kiến Nhật Bản.34 Một con ốc xà cừ lớn sẽ được sử dụng và gắn với miệng thổi bằng đồng (hoặc bằng gỗ). Nó được giữ trong một chiếc giỏ lưới và được thổi bằng một tổ hợp “nốt” khác nhau để báo hiệu cho quân đội tấn công, rút lui hoặc thay đổi chiến thuật, giống như cách sử dụng tù và hoặc kèn trôm-pét ở các nước phương Tây. Những người lính kèn này được gọi là kai yaku.
Các Jinkai cho chức năng tương tự như trống và chuông trong tín hiệu tập hợp đội hình quân sự, thiết lập một nhịp điệu cho hành quân, tạo nên sự hào hùng để khuyến khích các binh lính và gây bối rối khi đối phương phải suy nghĩ về số lương quân số phải đủ lớn đến dường nào để có thể thổi kèn tạo nên các âm thanh lớn như vậy. Nhiều daimyō (lãnh chúa phong kiến) tranh thủ yamabushi để phục vụ như kai yaku, do đã có sự trải nghiệm của bản thân với nhạc cụ này.
Ở Hàn Quốc, nagak (cũng gọi là na, sora, hoặc godong) là một vỏ ốc lớn chơi nhạc như một chiếc sừng trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc. Nó chỉ tạo nên một âm đơn và được sử dụng chủ yếu trong âm nhạc diễu hành quân sự gọi là daechwita.
Ở Tây Tạng, “Vỏ ốc xà cừ là một trong số nhiều kèn trôm-pét mà nó đóng một phần trong âm nhạc đền chùa độc đáo của Tây Tạng, được biết đến với tên gọi “Dung-Dkar”. Như một cây kèn trôm-pét tự nhiên đến từ các vùng nước, vỏ ốc xà cừ được tin rằng có quyền năng ma thuật với những cơn mưa/trận mưa đá. Do đó, mép/cạnh của nó [miệng ốc] thường được trang trí với rồng và mây”.35
Kích thước: 21cm
Chất liệu: ốc biển - điêu khắc Phật Thích Ca
Xuất xứ: Nepal
H.à.n.g đ.ặ.t
࿇འཇམ་དབྱངས་ནོར་བུ་࿄
H.à.n.g đ.ặ.t sẽ chốt đ.ơ.n vào chủ nhật hằng tuần.
H.à.n.g về sau 20 - 30 ngày
Kính mong Quý thầy và Quý đạo hữu hoan hỷ
࿇ ཨོཾ་མ་ཎི་པདྨེ་ཧུྃ༔ ࿄
Pháp Khí Mật Tông - Bảo Liên
http://phapkhimattong.com.vn
☎️ 0️⃣9️⃣7️⃣3️⃣0️⃣2️⃣1️⃣9️⃣9️⃣5️⃣ (imess - zalo - viber)